Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi được biết đối với các lỗi vi phạm giao thông thì tùy trường hợp mà sẽ có cách thức xử lý khác nhau. Một trong số đó chính là bị phạt tạm giữ phương tiện một thời gian. Tuy nhiên tôi không nhiết những lỗi vi phạm giao thông nào bị phạt tạm giữ xe. Vì thế tôi gửi câu hỏi đến Phan Law Vietnam và rất mong nhận được sự tư vấn chính xác từ luật sư.
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp như thế nào?
>> Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13 cho người lao động?
>> Thủ tục trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như thế nào?
Trả lời:
Phan Law Vietnam gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định về hình thức tạm giữ phương tiện khi người điều khiển phương tiện phạm các lỗi về an toàn giao thông. Theo đó để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Những lỗi vi phạm giao thông có thể bị phạt tạm giữ xe bao gồm:
Lỗi vi phạm giao thông đối với người điều khiển xe ô tô
Trường hợp người điều khiển xe ô tô bị phạt tạm giữ xe?
Căn cứ điểm c khoản 6, điểm a, c khoản 8, khoản 10 Điều 5, khoản 4, điểm d, đ, e khoản 5 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô có thể bị phạt tạm giữ xe nếu phạm một trong các lỗi sau:
– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
– Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
– Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ;
– Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, đăng ký rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc theo quy định
– Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số);
– Điều khiển xe có Giấy chứng nhận (GCN) hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
– Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định;
– Điều khiển xe không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;
– Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp
– Sử dụng GCN, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường bị tẩy xóa;
– Điều khiển xe không có GCN hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Lỗi vi phạm giao thông đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Trường hợp xe gắn máy bị phạt tạm giữ xe?
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thì các lỗi có thể bị phạt tạm giữ xe theo quy định tại điểm b, c khoản 6, điểm c khoản 7, điểm a, b, c, d, e, g, h, i khoản 8; khoản 9 Điều 6, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cụ thể là:
– Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
– Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
– Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
– Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
– Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;
– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
– Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Đối với vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
Khoản 1, điểm a, c khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định các trường hợp người điều khiển xe cơ giới bị phạt tạm giữ xe là:
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên
– Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 06 (sáu) tháng
– Người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô có một trong các hành vi:
+ Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
+ Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô
– Người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau:
+ Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 (sáu) tháng trở lên;
+ Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
+ Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về vấn đề lỗi vi phạm giao thông nào bị phạt tạm giữ xe theo quy định của pháp luật mới nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư