Kinh phí công đoàn là nguồn tài trợ cho hoạt động đoàn ở các cấp. Việc trích nộp kinh phí công đoàn hàng tháng là nghĩa vụ của doanh nghiệp, không phân biệt là doanh nghiệp đã có hay chưa có tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, với diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 gần đây, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Luật Công đoàn 2012 và các Nghị định, văn bản hướng dẫn quy định những nội dung liên quan đến kinh phí công đoàn như sau:
– Đối tượng: Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp không thành lập tổ chức công đoàn.
– Mức đóng: Đóng 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp phải khó khăn về tài chính. Để giảm thiểu các khó khăn này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thực hiện chính sách tạm ngừng đóng kinh phí công đoàn với Công văn số: 245/TLĐ ngày 18 tháng 3 năm 2020 Về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Đối tượng được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn theo Công văn số: 245/TLĐ ngày 18 tháng 3 năm 2020 là: “Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên)”.
Cũng theo Công văn số: 245/TLĐ ngày 18 tháng 3 năm 2020 về việc “lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” thì doanh nghiệp “được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/06/2020. Nếu sau thời điểm này dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020”.
Kết thúc thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp đóng đầy đủ kinh phí công đoàn, bao gồm cả việc đóng bù phần kinh phí của thời gian tạm ngừng đóng trước đó. Trường hợp doanh nghiệp chậm đóng, đóng không đúng mức hoặc không đóng kinh phí công đoàn thì theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 17 Điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với từng hành vi như sau:
– Phạt tiền với mức từ 24% đến dưới 30% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với các hành vi: Chậm đóng kinh phí công đoàn; Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
– Phạt tiền với mức từ 36% đến 40% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với hành vi: Người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn