Nếu cá nhân, doanh nghiệp cố tình lờ đi quy định này để thỏa thuận giá ghi trên hợp đồng bằng ngoại tệ, hoặc thực hiện việc thanh toán bằng ngoại tệ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định 96/2014.
Với sự hội nhập kinh tế thế giới, nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam hình thành thói quen sử dụng ngoại tệ khi tham gia các giao dịch kinh doanh hàng ngày. Trong khi đó, chính sách quản lý ngoại hối được thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam lại không cho phép được tự do sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy việc thỏa thuận trong hợp đồng về việc thanh toán bằng ngoại tệ có vi phạm điều cấm của luật?
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Một hợp đồng có hiệu lực pháp luật khi và chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; các chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội. Để có thể đưa ra kết luận về ảnh hưởng của điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ đến hiệu lực của hợp đồng, cần xác định được điều khoản này có thuộc trường hợp là điều cấm của luật hay không. “Điều cấm của luật” theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 được hiểu là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Theo quy định hiện hành, cụ thể là Điều 3 Thông tư 32/2013 của Ngân hàng Nhà nước và Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013, thì mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác trên lãnh thổ Việt Nam (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Với quy định này, chỉ có những trường hợp ngoại lệ được pháp luật cho phép mới được thực hiện bằng ngoại hối, chẳng hạn như hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; người cư trú góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam… Các hoạt động khác mặc nhiên không được thực hiện bằng ngoại hối.
Do đó, việc thỏa thuận thanh toán hợp đồng bằng ngoại tệ mà không thuộc trường hợp được pháp luật cho phép là vi phạm quy định về việc hạn chế sử dụng ngoại hối tại Pháp lệnh Ngoại hối cũng như tại Thông tư 32/2013. Tuy nhiên, cả pháp lệnh và thông tư đều là những văn bản dưới luật, không phải luật. Vì lẽ đó, khi đối chiếu với quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc thỏa thuận điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ trong hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không là cơ sở để hợp đồng bị vô hiệu. Tuy nhiên, nếu cá nhân, doanh nghiệp cố tình lờ đi quy định này để thỏa thuận giá ghi trên hợp đồng bằng ngoại tệ, hoặc thực hiện việc thanh toán bằng ngoại tệ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định 96/2014. Theo đó, đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật hoặc hành vi giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật, mức xử phạt từ 200 – 250 triệu đồng.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/thoa-thuan-thanh-toan-bang-ngoai-te-co-vi-pham-dieu-cam-566424.html