Bảo Nam là một trong những nghệ sĩ cắm hoa nổi tiếng tại Việt Nam. Vừa qua, anh có tổ chức buổi triển lãm cá nhân mang tên “Plus by Bảo Nam – Exhibition”, diễn ra từ ngày 10/4 – 15/04/2021. Tuy nhiên, giới nghệ thuật nhanh chóng phát hiện ra, hầu hết các sản phẩm trưng bày ở buổi triển lãm này đều đang đạo nhái tác phẩm – ý tưởng từ các tác phẩm khác của những nghệ sĩ nghệ thuật đương đại trên thế giới!
Xem thêm:
>> Lừa đảo chiếm đoạt thẻ tín dụng bằng cách nâng cấp sim 4G
>> Lùm xùm nghi vấn bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là tác phẩm “đạo nhái”!
>> Bộ ảnh mới của Chi Pu bị tố đạo nhái ý tưởng!
Sự giống nhau của tác phẩm trung bày tại triển lãm và thiết kế ở cửa hàng Chanel – ẢNh: luxuo
Không có mục đích thương mại nên có thể tùy tiện sử dụng tác phẩm bất kỳ?
Sự việc này hiện đang gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong giới nghệ thuật. Việc tôn trọng bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ đối với tác giả và tác phẩm luôn được xem là “cội nguồn” khi làm các công việc sáng tạo. Tuy nhiên, tại một triển lãm nổi tiếng lại xuất hiện quá nhiều sự sao chép – đạo nhái tác phẩm như triển lãm Plus by Bảo Nam đúng là một “cú tát” mạnh vào giới nghệ thuật Việt Nam.
Cụ thể, các tác phẩm trong triển lãm được cộng đồng chỉ ra sự tương đồng gần như là y hệt như:
- Tạo hình các chiếc ống bạc, được lấy cắp từ khu trưng bày của Chanel Hawaii
- Một đám mây khổng lồ được cho là sao chép tác phẩm của Matsuri Yamana
- Những chiếc cột hoa y hệt với tác phẩm Terraforms 2014 (installation view) của Jamie North
- Các tác phẩm điêu khắc, tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khác cũng được giám tuyển nghệ thuật nhận định sao chép từ các tác phẩm đã được công bố, trưng bày khác của những nghệ sĩ quốc tế.
Gần như không có sự khác biệt giữa những tác phẩm này – Ảnh: Facebook
Chia sẻ về sự việc trên, ban đầu Bảo Nam nhấn mạnh về việc mình sáng tạo những tác phẩm này trưng bày tại triển lãm cá nhân, miễn phí, không tạo lợi nhuận. Đồng thời, các tác phẩm của anh tập trung vào việc cắm hoa và thể hiện những câu chuyện riêng. Anh có chia sẻ với báo chí:
“Mấy cái đó đơn giản chỉ là hoa tôi cắm, đồ tôi làm để mời bạn bè đến chơi, tôi tự bỏ tiền làm chứ chẳng xin ai. Tôi cũng không thu tiền từ triển lãm. Dù sao triển lãm cũng xong rồi, ai muốn nói thì cứ nói, nói chán thì thôi, còn tôi đi làm việc khác.
Lấy ví dụ một cái áo, 100 người thiết kế cái áo, người thêm cái nút, kẻ thêm cái này cái kia thì nó ra cái áo khác. Nghệ thuật rất mông lung và vô biên” – Bảo Nam chia sẻ về những tác phẩm bị tố đạo nhái. Sau khi được hỏi có dự định tổ chức triển lãm khác nữa hay không, anh tâm sự: “Mình có tiền mà, mình thích làm gì thì làm”
Đây thực sự là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ
Thực tế, theo quy định của pháp luật dù triển lãm này có là triển lãm cá nhân miễn phí thật hay có thu phí đây vẫn là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm đang được sử dụng.
Các tác phẩm nghệ thuật như tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng đều là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả đối là loại quyền được thiết lập theo cơ chế tự động, cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có nêu rõ:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Khi tác phẩm đã được xác lập quyền tác giả, đồng nghĩa với việc tác phẩm và tác giả được pháp luật bảo hộ về quyền nhân thân và quyền tài sản, như:
- Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;…
Bảo Nam chính thức lên tiếng xin lỗi – Ảnh: Facebook
Với các tác phẩm mà Bảo Nam đang sử dụng trong triển lãm, không hề được đề tên giới thiệu nguồn gốc tác phẩm, đồng thời tự ý sử dụng thêm thắt các chi tiết hoa vào tác phẩm để biến thành tác phẩm của mình. Qua sự việc lùm xùm này, Bảo Nam đã đăng tải “tâm thư” trên trang cá nhân của mình để giải thích về việc sử dụng các tác phẩm của nghệ sĩ khác cũng như gửi lời xin lỗi đến những nghệ sĩ này. Trong bài đăng, Bảo Nam có nhấn mạnh:
“Đây sẽ là câu trả lời cuối cùng của Bảo Nam về triển lãm vừa qua. Thật sự, Bảo Nam rất lấy làm tiếc và thành thật xin lỗi các tác giả khi đã không trích dẫn thông tin về những ý tưởng mà Bảo Nam đã sử dụng trong những ngày triển lãm. Rất xin lỗi bạn bè và những anh chị em hỗ trợ nhưng đã bị ảnh hưởng vì Bảo Nam trong những ngày vừa qua.”.
Vấn đề tôn trọng quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghệ thuật là căn bản cốt lõi để hành nghề. Triển lãm cũng đã kết thúc, liệu mọi việc có yên ắng sau bức thư xin lỗi này hay không? Cần có những cái nhìn, kiến thức chính xác hơn về vấn đề này để tự bảo vệ bản thân và tôn trọng thành quả sáng tạo của người khác.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư