Trộm cắp tài sản là gì?
Hiện tại pháp luật không có sự định nghĩa về mặt pháp lý cụ thể xác định hành vi trộm cắp tài sản là gì. Tuy nhiên dựa trên cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, thì trộm cắp tài sản được hiểu là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái phép và không có sự đồng ý của chủ sở hữu, nhằm mục đích vụ lợi.
Điển hình của trộm cắp tài sản là việc lén lút chiếm đoạt tài sản khi chủ sở hữu không có mặt hoặc không được biết về sự việc.
Trộm cắp tài sản là một hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm quyền sở hữu tài sản mà còn gây tổn hại đến trật tự xã hội. Nhiều trường hợp, hành vi trộm cắp tài sản đã làm nảy sinh nhiều hành vi tội phạm khác, ví dụ như tội xâm phạm chỗ ở của người khác, tội cướp tài sản, tội cố ý gây thương tích,…
Các hình thức xử lý hành vi trộm cắp tài sản
Tại Việt Nam, hành vi trộm cắp tài sản được xử lý theo các quy định của Bộ luật Hình sự với các hình thức xử lý cụ thể dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Trường hợp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản lần đầu mà giá trị tài sản dưới 2.000.000 đồng và chưa từng bị kết án về các tội liên quan đến chiếm đoạt tài sản, người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Theo Điểm a Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi trộm cắp tài sản, bao gồm cả việc xâm nhập vào khu vực nhà ở hoặc địa điểm thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng.
Tuy nhiên, trường hợp giá trị tài sản trên 2.000.000 đồng hoặc người trộm cắp tài sản thuộc một trong các trường hợp: từng bị xử phạt vi phạm hành chính; từng bị kết tội về một số tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản; từng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chiếm đoạt tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; hoặc chiếm đoạt tài sản là di vật, cổ vật, thì người trộm cắp tài sản sẽ bị truy cứu hình sự.
Khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm – 20 năm.
Quy trình xử lý tội phạm trộm cắp tài sản
Căn cứ hiểu biết về tội phạm trộm cắp tài sản là gì, người dân có thể phát hiện và tố giác hành vi trộm cắp tài sản đến cơ quan công an. Sau khi nhận được tin báo, tố giác, cơ quan công an tiến hành các hoạt động cần thiết để bắt giữ tội phạm, lấy lời khai, lập hồ sơ điều tra vụ án và chuyển hồ sơ, kết luận điều tra đến cơ quan có thẩm quyền để khởi tố, truy tố người phạm tội đến trước vành móng ngựa.
Trong phiên tòa, người phạm tội và các bên liên quan sẽ trình bày quan điểm và chứng cứ. Tòa án sẽ đánh giá các yếu tố như giá trị tài sản, tình tiết tăng nặng và mức độ thiệt hại để đưa ra phán quyết phù hợp quy định pháp luật. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định như thực hiện hình phạt tù, phạt tiền hoặc các biện pháp xử lý khác theo phán quyết của Tòa án.
Trong quá trình giải quyết vụ án trộm cắp tài sản, việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý là rất cần thiết. Luật sư, chuyên viên pháp lý có thể giúp thân chủ, người phạm tội hoặc nạn nhân, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hướng dẫn cách chuẩn bị hồ sơ, phát triển chiến lược bào chữa hoặc yêu cầu bồi thường.
Luật sư còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và đảm bảo các quy trình pháp lý được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn sơ bộ về hành vi trộm cắp tài sản là gì và cách thức, quy trình xử lý. Để biết thêm chi tiết, Quý Khách hàng có thể tìm đọc các bài viết liên quan cùng chủ đề tại phan.vn hoặc liên hệ trực tiếp với Phan Law Vietnam theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ nhanh chóng.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư