Như đã biết, công ty cổ phần được thành lập phải đáp ứng được có ít nhất 03 người sáng lập và đồng thời góp vốn sở hữu cổ phần của công ty. Những người này được gọi chung là cổ đông sáng lập để phân biệt với những cổ đông bình thường khác xuất hiện trong toàn bộ quá trình kinh doanh.
Cổ đông sáng lập của công ty cổ phần
Theo định nghĩa tại khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 (Luật Dn): “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.”. Như vậy, cổ đông sáng lập chỉ gói gọn trong các cổ đông tham gia góp cổ phần khi thành lập công ty, các cổ đông nhận chuyển nhượng của cổ đông sáng lập không được coi là cổ đông sáng lập dù việc nhận chuyển nhượng được thực hiện trong bất kỳ thời điểm nào.
Những ràng buộc pháp lý đối với cổ đông sáng lập
Riêng đối với cổ đông sáng lập, pháp luật có những quy định ràng buộc đối với số cổ phần mà họ nắm giữ. Tuy công ty cổ phần không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập, tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp vẫn có những yêu cầu các cổ đông sáng lập phải đảm bảo được:
- Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.
- Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
- Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
Như vậy, có thể thấy cổ đông sáng lập không có quyền chuyển nhượng cổ phần tự do như cổ đông bình thường mà phải chịu sự ràng buộc theo quy định của pháp luật trong thời gian 03 năm. Sở dĩ có quy định này vì các nhà làm luật muốn đảm bảo được cổ đông sáng lập phải có trách nhiệm đối với doanh nghiệp của mình, giảm thiểu tối đa tình trạng doanh nghiệp mọc lên không bao lâu sụp đổ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.
Nếu bạn còn vấn đề thắc mắc cần được hỗ trợ trong vấn đề này, hãy để lại câu hỏi trực tiếp trên trang https://phan.vn hoặc liên hệ với Phan Law Vietnam theo các thông tin liên hệ dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn