Trong bối cảnh nạn xâm hại trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp và trở thành nỗi ám ảnh của cộng đồng, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về tội phạm tình dục, trong đó xác định các hành vi phạm tội dâm ô, xâm hại trẻ em nói riêng và tội phạm tình dục nói chung.
Theo nội dung dự thảo nghị quyết này, mọi bộ phận trên cơ thể của trẻ em đều được bảo vệ một cách tuyệt đối. Dự thảo nghị quyết xác định hành vi dâm ô gồm những hành vi tác động lên các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi, như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông.
Đây được xem là nỗ lực tích cực nhằm nâng cao quyền bất khả xâm phạm về thân thể trẻ em, đặt trẻ em vào vòng bảo vệ an toàn nhất có thể. Tuy nhiên, định nghĩa “bộ phận, vùng nhạy cảm” vẫn chưa thực sự được giải thích một cách rõ ràng.
Dự thảo sử dụng phương pháp liệt kê, trong đó ngoại trừ bộ phận sinh dục và những bộ phận khác biệt theo giới tính, thì còn có các bộ phận như mặt, đầu, cần xem xét có phải là bộ phận, vùng nhạy cảm hay không.
Vấn đề này được đặt ra xuất phát từ truyền thống ứng xử của người Việt Nam. Tình yêu thương đối với trẻ em thường được người thân thể hiện thông qua các hành động cụ thể như ôm, hôn, bồng bế, vỗ về. Nên nếu áp dụng cách xác định theo dự thảo nghị quyết hướng dẫn một cách sơ sài, cứng nhắc, thì người từ đủ 18 tuổi có hành vi sờ đầu hoặc sờ mặt trẻ em cũng có thể bị xem là hành vi dâm ô.
Vì vậy, cần có sự giải thích đầy đủ, rõ ràng và hợp lý hơn về “bộ phận, vùng nhạy cảm” chứ không mang tính liệt kê như quy định hiện tại. Sự giải thích này phải mang tính phân loại theo độ tuổi và giới tính của trẻ, vì trong khoảng dưới 16 tuổi, quá trình phát triển của trẻ trải qua các giai đoạn rất khác nhau về thể chất và tâm lý.
Bên cạnh đó, dấu hiệu “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục” cũng cần quy định chi tiết hơn. Làm thế nào để chứng minh hay xác định hành vi của một người có hay không nhằm mục đích thỏa mãn tình dục? Đây là câu hỏi khó, nhưng bắt buộc phải trả lời được, vì đó chính là ranh giới để phân biệt giữa thể hiện yêu thương và dâm ô đối với trẻ em.
Một dạng hành vi khác mặc dù không nằm trong quy định về tội dâm ô nhưng lại có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm, là “hành vi quan hệ tình dục khác”.
Nếu một hành vi mang tính chất là hành vi quan hệ tình dục khác, thì hành vi đó cấu thành các tội về tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm…, nhưng nếu một hành vi không phải là giao cấu, không phải là hành vi quan hệ tình dục khác cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục, thì lại là dâm ô.
Mức xử phạt đối với các hành vi này là khác nhau, do đó, việc làm rõ “hành vi quan hệ tình dục khác” có vai trò quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để có thể xác định hành vi dâm ô một cách dễ dàng hơn.
Các quy định được ban hành cần bám sát thực tiễn, phù hợp với văn hóa, truyền thống; tránh quy định mang tính cứng nhắc, rập khuôn và khó áp dụng trong thực tiễn.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/xac-dinh-ro-hon-ve-hanh-vi-dam-o-598015.html