Trong thời gian qua, đã xảy ra trường hợp bệnh viện trao nhầm con cho cha mẹ. Trong trường hợp này trách nhiệm thuộc về ai?
Trước hết, nếu việc trao nhầm con xảy ra ở bệnh viện và do các cá nhân làm việc tại bệnh viện (bác sĩ, y tá, hộ sinh…) gây ra, thì cần xác định trách nhiệm trong trường hợp này thuộc về pháp nhân là bệnh viện. Nếu cơ quan điều tra xác định hành vi đó được thực hiện với lỗi cố ý thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự về tội đánh tráo người dưới 1 tuổi.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất từ 2 – 5 năm tù và cao nhất từ 7 – 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Nếu hành vi trao nhầm con do lỗi vô ý, tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật và bệnh viện phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Cụ thể theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì sau đó có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Như vậy, theo quy định này, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi (y tá, hộ sinh, bác sĩ…) trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.
Gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất, như: thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch… Những chi phí này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.
Ngoài những tổn thất về vật chất có thể định lượng được một cách cụ thể, còn có những thiệt hại, nỗi đau về mặt tinh thần, như: vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà gia đình bị trao nhầm con lo lắng, mất ăn mất ngủ, khiến tinh thần sa sút, cuộc sống không hạnh phúc…
Theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Như vậy, theo quy định này, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho gia đình bị trao nhầm con. Mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận. Nếu không tự thỏa thuận được thì gia đình có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://sggp.org.vn/xu-ly-trach-nhiem-khi-benh-vien-trao-nham-con-508539.html