Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tiếp đăng tải nhiều clip về những vụ bạo lực, xâm hại trong gia đình, với tính chất vô cùng phức tạp. Khi các vụ việc này vừa xảy ra thì ít thấy sự xuất hiện kịp thời của chính quyền cùng các hội, đoàn thể liên quan để sớm ngăn chặn.
Xem thêm:
Không cứu người gặp nạn còn livestream câu view có thể nhận mấy năm tù?
Chế tài hành vi mua bán thông tin cá nhân
Chế tài hành vi sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả
Bà PHẠM THỊ ÁNH NGA, Chủ tịch Hội LHPN phường 3, quận 3, TPHCM:
Phát huy vai trò hội phụ nữ
Nạn bạo hành gia đình thường xuyên xảy ra như: cha bạo hành con, chồng đánh vợ, con bạo hành cha mẹ già… khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Những vụ việc kể trên cho thấy, việc bảo vệ người già, phụ nữ và trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Đôi khi bản thân người phụ nữ vì sợ hãi, vì xấu hổ nên không dám lên tiếng tố cáo với các cơ quan chức năng. Hơn thế, bạo hành gia đình sẽ khiến con trẻ bị tổn thương tâm lý. Không ít trường hợp đứa bé bị trầm cảm, trở nên cộc cằn, lầm lì, ít nói, thậm chí bỏ học.
Trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3 (quận 3) đã xây dựng các tổ tư vấn cộng đồng. Chi hội trưởng và các hội viên nữ là luật sư giữ vai trò nòng cốt, phụ trách tuyên truyền, giải đáp thắc mắc về kiến thức pháp luật, hướng dẫn thủ tục giấy tờ hành chính khi hội viên cần đến. Hội còn có 1 điểm tạm lánh dành cho nạn nhân bị bạo hành tại nhà một bí thư chi bộ khu phố. Trong các buổi sinh hoạt CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội hàng quý, hội thường xuyên tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tập huấn kiến thức phòng chống xâm hại thân thể cho phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra là các hoạt động phát những tờ rơi, đăng thông tin tuyên truyền trên trang Facebook, Zalo của hội.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC, VPLS Phan Law Vietnam:
Cần dũng cảm tố cáo người có hành vi bạo lực
Thực tế cho thấy, nạn nhân của bạo lực gia đình thường là phụ nữ, trẻ em và người già – là những người yếu đuối, cần được bảo vệ trong xã hội. Chủ thể thực hiện các hành vi bạo lực gia đình và các hành vi liên quan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đồng đến 30.000.000 đồng và xin lỗi công khai nạn nhân có yêu cầu theo quy tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nghiêm trọng hơn, các chủ thể này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” với mức án cao nhất là tù chung thân, “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” với mức án cao nhất lên đến 5 năm tù.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trong xã hội, mỗi người dân mà đặc biệt là những người đã và đang là nạn nhân của bạo lực gia đình cần dũng cảm tố cáo người có hành vi bạo lực đối với mình và những người xung quanh. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết và bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình gồm: UBND các cấp, lực lượng công an. Ngoài ra, người bị bạo hành cũng có thể liên hệ với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức xã hội (như cơ sở bảo trợ xã hội) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Tác giả: Theo báo Sài Gòn Giải phóng
PHAN LAW VIETNAM
Hotline:0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn:
https://www.sggp.org.vn/bao-luc-gia-dinh-su-xuong-cap-gia-tri-dao-duc-685517.html