Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Sắp tới, khu phố tôi có tổ chức một buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi dự định sẽ hát trong buổi sinh hoạt mà không nhằm mục đích thương mại này một bài cải lương để góp vui. Như vậy, việc biểu diễn tác phẩm không nhằm mục đích thương mại của tôi thì có cần phải xin phép ai hay không? Nhờ Phan Law tư vấn giúp tôi.
Xin chân thành cảm ơn.
Điều kiện bảo hộ cuộc biểu diễn thực hiện tại nước ngoài?
Có được góp vốn bằng quyền tác giả hay không?
Dùng tranh vẽ của người khác để in trên nội thất có vi phạm hay không?
Trả lời:
Phan Law gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Biểu diễn tác phẩm không nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Tức là chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, thì khi một cá nhân, tổ chức muốn biểu diễn tác phẩm trước công chúng thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, nếu như không thực hiện việc xin phép và không trả tiền nhuận bút, thù lao thì hành vi biểu diễn tác phẩm được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, Nhà nước cần có những biện pháp cân bằng lợi ích công cộng với lợi ích của cá nhân, vừa bảo hộ tài sản trí tuệ của tác giả đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận các tài sản trí tuệ để khuyến khích việc sáng tạo, phát triển trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Chính vì thế, pháp luật Sở hữu trí tuệ đã đặt ra quy định Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong các trường hợp quy định tại Điều 25, điểm 2 khoản 1 có quy định “Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào”. Theo đó, chỉ khi biểu diễn các tác phẩm sân khấu và loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền thì không cần phải xin phép và trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Trường hợp ngoại lệ này, chỉ áp dụng đối với tác phẩm sân khấu và loại hình biểu diễn nghệ thuật khác mà không áp dụng đối với các loại hình tác phẩm khác được liệt kê tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tóm lại, chỉ khi đáp ứng đủ ba điều kiện sau thì việc biểu diễn tác phẩm mới không cần phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả:
- Tác phẩm được biểu diễn là tác phẩm sân khấu hoặc loại hình biểu diễn nghệ thuật khác;
- Trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động;
- Không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào (không nhằm mục đích thương mại).
Theo đó, việc bạn biểu diễn một bài cải lương (được hiểu là tác phẩm sân khấu theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 22/2018/NĐ-CP) tại buổi sinh hoạt cộng đồng của khu phố thì không cần phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm cải lương đó. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, để được hỗ trợ đăng ký bản quyền tác giả Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn