Tổ chức, vận hành công ty bám sát Điều lệ
Các công ty mới thành lập sẽ phải được vận hành theo đúng loại hình công ty mà pháp luật quy định. Ví dụ, đối với loại hình công ty TNHH một thành viên, pháp luật quy định cơ cấu tổ chức công ty phải theo một trong hai mô hình như sau:
- Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; hoặc
- Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
Những nội dung này thường được cụ thể hóa thông qua Điều lệ công ty, đã được cơ quan có thẩm quyền xem qua và đã phê duyệt. Do đó, các công ty về cơ bản không phải tra lại quy định pháp luật để biết cách tổ chức, vận hành công ty, mà chỉ cần theo dõi Điều lệ và bám sát các nội dung của Điều lệ.
Điều lệ không chỉ bao gồm các nội dung về cơ cấu tổ chức công ty, mà còn bao gồm các nội dung cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ của từng chức danh quan trọng trong ban lãnh đạo, của người quản lý công ty, cách thức công ty thông qua các quyết định, cách thức chia lợi nhuận, quy trình xử lý lỗ,…
Việc tuân thủ Điều lệ không chỉ đảm bảo tính hợp pháp trong hoạt động công ty, mà còn tạo cơ sở để thỏa thuận, giải quyết các vấn đề giữa các thành viên và cổ đông trong công ty.
Khai nộp hồ sơ, báo cáo thuế đúng hạn
Các công ty mới thành lập, đặc biệt trong giai đoạn chưa phát sinh doanh thu, lợi nhuận, thường xem nhẹ việc khai, báo thuế, nộp thuế, dẫn đến nhiều trường hợp bị trễ hạn nộp thuế, nộp báo cáo thuế, báo cáo tài chính, khiến công ty bị phạt và phải trả các khoản tiền chậm nộp phát sinh, gây thất thoát tài chính.
Thông thường, các công ty mới thành lập nên lưu ý những khoản thuế quan trọng mà công ty cần phải thực hiện đúng và đầy đủ chế độ báo cáo, nộp thuế, như: thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho người lao động,…
Việc chậm nộp hoặc không nộp báo cáo thuế, báo cáo tài chính còn có thể khiến công ty bị áp các lệnh cưỡng chế nghiêm trọng, ví dụ: buộc ngừng sử dụng hóa đơn, khấu trừ, kê biên tài sản, cấm xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của công ty,… Thậm chí, nếu đủ dấu hiệu hình sự, người đại diện công ty còn có khả năng bị truy tố tội trốn thuế.
Tuân thủ quy định pháp luật về lao động
Song song vấn đề thuế và tài chính, các công ty mới thành lập phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật lao động. Theo đó, đặc biệt, đối với người phụ trách kế toán, kế toán trưởng, công ty phải tuyển dụng, ký hợp đồng và bổ nhiệm theo quy định pháp luật kế toán.
Nhìn chung, ngoài việc phải ký hợp đồng lao động đúng luật, tham gia, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định, công ty còn phải thực hiện các thủ tục hành chính về lao động, gồm: tổ chức công đoàn, lập sổ quản lý lao động, lập sổ quản lý sức khỏe người lao động, báo cáo lao động đúng hạn cho Sở LĐ-TB-XH theo quy định pháp luật,…
Ngoài ra, công ty cũng cần đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ phúc lợi khác cho nhân viên, như khám sức khỏe định kỳ, chế độ lương thưởng, chế độ làm việc – nghỉ ngơi, chế độ thai sản,… đồng thời, đảm bảo không có tình trạng phân biệt giới tính, quấy rối tình dục hoặc các vấn đề xâm phạm quyền con người diễn ra trong công ty.
Song song, việc xử lý kỷ luật hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên cũng đảm bảo phải tuân thủ đúng quy định theo nội quy của công ty và Bộ luật lao động.
Trên đây là lưu ý chung, cơ bản cho các công ty mới thành lập. Đối với các công ty mới thành lập là công ty FDI, ngoài những lưu ý trên, còn cần lưu ý tuân thủ đúng và đầy đủ các chế độ báo cáo về tình hình đầu tư, báo cáo giám sát đầu tư theo quy định luật đầu tư.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư