Hiện nay rất nhiều cá nhân khởi nghiệp bằng việc mở doanh nghiệp. Vậy những loại hình doanh nghiệp nào được pháp luật cho phép thành lập. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành thì có 5 loại hình doanh nghiệp được phép thành lập. Hãy cùng Phan Law tìm hiểu về các loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp này qua bài viết dưới đây.
>>>> Xem thêm bài viết: Thay đổi đăng ký doanh nghiệp như thế nào?
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
Một trong các loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp phải kể đến đầu tiên đó là doanh nghiệp tư nhân. Theo quy định tại Điều 183 Luật Doanh nghiệp thì DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đây là loại hình công ty đối nhân chỉ do một cá nhân làm chủ nên pháp luật chỉ cho phép mỗi cá nhân được quyền thành lập một DNTN. Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
Ngoài ra, DNTN còn bị hạn chế về quyền huy động vốn, không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Theo đó DNTN không được quyền phát hành cổ phiếu như công ty cổ phần. Thêm vào đó, chủ sở hữu DNTN cũng không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. DNTN không có tư cách pháp nhân, chủ DNTN là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV)
Theo quy định tại Điều 73 Luật Doanh nghiệp thì công ty TNHH MTV là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Công ty có tài sản tách biệt với chủ sở hữu, do đó chủ sở hữu công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Cũng giống DNTN, công ty TNHH MTV không được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn. Công ty TNHH MTV có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (công ty TNHH hai thành viên trở lên)
Theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp thì công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân và số lượng không vượt quá 50. Công ty và thành viên có tài sản tách biệt nên thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào. Phần vốn góp chỉ được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên cũng không được phát hành cổ phần để huy động vốn. Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đối với công ty TNHH MTV và công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền mua cổ phần tại công ty cổ phần theo quy định của pháp luật. Nhìn chung thì công ty TNHH MTV và công ty TNHH hai thành viên trở lên đều được liệt kê vào loại hình công ty TNHH trong các loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2019.
Công ty hợp danh (CTHD)
Theo quy định tại Điều 172 Luật Doanh nghiệp thì CTHD là doanh nghiệp trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Còn đối với thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
CTHD không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào và có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty cổ phần (CTCP)
Theo quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp thì CTCP là doanh nghiệp, trong đó có cổ đông là tổ chức hoặc cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào. Pháp luật cho phép cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định pháp luật quy định không được chuyển nhượng.
CTCP là loại hình công ty đối vốn, do nhiều cá nhân, tổ chức cùng nhau góp vốn thành lập công ty. Theo đó, đây là loại hình phù hợp với những ngành nghề kinh doanh phức tạp, cần nhiều vốn và cơ cấu tổ chức phức tạp hơn những loại hình còn lại. Pháp luật cho phép CTCP phát hành cổ phần các loại để huy động vốn. CTCP có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, trên đây là các loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp và mỗi loại hình có những đặc điểm, ưu và nhược điểm riêng khác nhau. Tùy thuộc vào nguồn vốn, ngành nghề kinh doanh mà chủ thể khi thành lập doanh nghiệp lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho mình. Để được tư vấn cụ thể hơn về các loại hình doanh nghiệp bạn có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law chúng tôi:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn