Khi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, thì chủ phương tiện có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng lên đến 12.000.000 đồng. Thậm chí ngồi tù nếu người mượn xe gây tai nạn.
Xem thêm:
>> Trường hợp nào bị phạt đến 80 triệu đồng khi tụ tập ngày Tết mùa Covid?
>> Ép người khác uống rượu bia ngày Tết: Vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho người uống.
>> Mở lớp dạy online thu tiền, có vi phạm pháp luật?
Việc cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông mượn phương tiện của mình để di chuyển có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Theo quy định tại Điều 58 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, thì người lái xe tham gia giao thông phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.
Theo Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nghiêm cấm hành vi “giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ”.
Như vậy, nếu giao xe hoặc để cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, thì chủ phương tiện đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Tùy thuộc vào loại phương tiện (Ví dụ: xe gắn máy hoặc ô tô), chủ phương tiện có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng lên đến 6.000.000 đồng nếu là cá nhân hoặc từ 1.600.000 đồng đến 12.000.000 nếu là tổ chức theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
Trường hợp người mượn xe gây tai nạn, chủ xe có bị xử phạt gì không? Nếu người mượn xe ấy chưa đủ tuổi thì hình phạt có bị tăng nặng không?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Khi người mượn xe gây tai nạn, chủ xe có bị xử phạt hay không thì cần làm rõ vấn đề chủ xe có vi phạm quy định tại Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nói trên.
Nếu người mượn xe (mặc dù đủ tuổi) không thỏa mãn điều kiện về sức khỏe hay không có giấy phép lái xe phù hợp thì chủ xe vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Và ngược lại, nếu người mượn xe thỏa mãn các điều kiện thì chủ xe sẽ không bị xử phạt vì hành vi này.
Bên cạnh đó, khi xảy ra tai nạn thì một vấn đề cần quan tâm đó chính là trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, người gây tai nạn sẽ là người bồi thường cho người bị thiệt hại.
Tuy nhiên, chủ xe không đương nhiên được loại trừ trách nhiệm mà phải liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự nếu xác định được chủ xe có lỗi trong việc để xe (được xem nguồn nguy hiểm cao độ) bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.
Hơn nữa, nếu có căn cứ xác định nghĩa chủ xe biết rõ người mượn chưa đủ điều kiện tham gia giao thông (ví dụ: không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; không đủ các điều kiện khác) mà vẫn cho mượn và thiệt hại xảy ra đến mức nghiêm trọng thuộc các trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì có thể bị phạt tù đến 07 năm.
Tác giả: Thư Quỳnh – Nguyễn Quang
Theo báo Dân Trí
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư
Nguồn:
https://dantri.com.vn/ban-doc/cho-nguoi-chua-du-tuoi-muon-xe-va-gay-tai-nan-can-than-bi-tu-oan-20210111131854154.htm