Nội quy lao động là văn bản quy phạm nội bộ quan trọng của mỗi doanh nghiệp, quy định về các trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động đối với doanh nghiệp cũng như các biện pháp xử lý của doanh nghiệp đó khi người lao động không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ được giao.
Nội quy lao động không chỉ góp phần đảm bảo sự ổn định, nề nếp trong công việc quản lý điều hành của doanh nghiệp mà còn góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tránh tình trạng doanh nghiệp tùy tiện trong việc xử lý, kỷ luật đối với người lao động.
Chính vì tầm quan trọng đó mà pháp luật hiện hành quy định bắt buộc đối với những doanh nghiệp sử sụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải tiến hành đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh (Theo Khoản 1 Điều 119 và Khoản 1 Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2012).
Quy định trên cho thấy, đối với các doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên, nội quy lao động chỉ có giá trị pháp lý khi đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để một doanh nghiệp có thể xử lý kỷ luật đối với người lao động đúng theo quy định pháp luật thì doanh nghiệp đó buộc phải đăng ký nội quy lao động. Vậy, đối với những doanh nghiệp không tiến hành đăng ký nội quy lao động thì sao?
Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về nội quy lao động tại Khoản 2 Điều 15 như sau:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;
b) Không đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
c) Sử dụng nội quy lao động không được đăng ký hoặc đã đăng ký nhưng chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;”
Như vậy, người sử dụng lao động không tiến hành đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc sử dụng nội quy lao động không được đăng ký hoặc đã đăng ký nhưng chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực thì sẽ bị xử phạt hành chính cụ thể là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Thẩm quyền xử lý khi doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký nội quy lao động thuộc về các chủ thể sau (căn cứ theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 36 Nghị định 95/2013 và Khoản 2, Khoản 5 Điều 37 Nghị định 95/2013/NĐ-CP):
• Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
• Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
• Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
• Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
• Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
• Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
• Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành lao động.
Tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan này nếu phát hiện hành vi vi phạm xảy ra trong lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý mà mình phụ trách thì chủ thể có thẩm quyền có quyền xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Tóm lại, để đảm bảo hiệu lực của nội quy và đảm bảo việc tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện thủ tục đăng ký nội quy lao động khi đã đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật đưa ra.
Phan Law Vietnam tự hào là đơn vị tư vấn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng và hiệu quả. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện dịch vụ liên quan đến nội quy lao động. Đặc biệt, Phan Law Vietnam đang có chương trình ưu đãi dành riêng cho các start – up với gói dịch vụ soạn thảo nội quy lao động chuẩn theo quy định pháp luật và đăng ký nội quy lao động.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn