Để vật nuôi gây tai nạn cho người khác thì bị xử phạt như thế nào? Chỉ xử phạt hành chính thôi hay còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa? Để trả lời cho câu hỏi này, xin mời quý khách cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> Quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi: Từ ngày 20/4, hành hạ chó, mèo bị phạt lên đến 03 triệu đồng!
>> Vật nuôi đi lạc vào nhà phải làm sao?
>> Những lỗi vi phạm giao thông nào có thể bị tạm giữ xe?
Để vật nuôi gây tai nạn cho người khác thì bị xử phạt thế nào?
Theo quy định của pháp luật thì còn tùy vào tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, khi vi phạm quy định về nuôi, nhốt, để vật nuôi tấn công, lây bệnh, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác thì chủ của vật nuôi đó có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu để hậu quả nghiêm trong xảy ra. Cụ thể:
Mức xử phạt hành chính
Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định trật tự công cộng:
“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
b) Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;
c) Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị;
…
e) Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư.”
Như vậy, với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Đối với trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì còn có thể bị phạt từ 1.000.0000 đến 2.000.000 đồng.
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;”
Đặc biết nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm thì chủ vật nuôi có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 triệu đồng theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020 của Chính phủ).
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân như sau:
Theo Điều 590 Bộ luật dân sự quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Như vậy, theo quy định trên nếu trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác thì chủ phải bồi thường các chi phí như cứu chữa, điều trị, tổn thất về tinh thần, thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút cho người bị thiệt hại.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 591 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: “2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.” trong trường hợp dẫn đến chết người, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thêm chi phí mai táng và cấp dưỡng cho bị hại.
Trong trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:
“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu vật nuôi gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên , thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (theo Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác).
Bên cạnh đó, nếu vật nuôi làm chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội vô ý làm chết người và có thể bị xử lý với khung hình phạt lên đến 10 năm tù.
“Điều 128. Tội vô ý làm chết người
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”
Do đó, để hạn chế việc vật nuôi thả rông lây bệnh hoặc gây tai nạn giao thông, người chủ cần có ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi, không chăn, thả trâu, bò, chó… trên đường giao thông. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư