Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi được biết những hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị phạt tiền. Vậy những hành vi sao chép tác phẩm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có bị xử lý hình sự hay không? Nhờ Phan Law tư vấn giúp tôi.
Xin chân thành cảm ơn!
Khi nào cá nhân có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả?
Quy trình đăng ký bản quyền cho tác phẩm?
Đơn đăng ký quyền tác giả của doanh nghiệp có cần Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sao y?
Trả lời:
Phan Law gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi có ý kiến như sau:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi vi phạm bản quyền tác giả (khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ).
Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Pháp luật đã quy định mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan cụ thể trong Nghị định 131/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP). Tùy vào hành vi và mức độ nghiệm trọng sẽ có mức phạt khác nhau. Hình phạt chủ yếu là phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Ngoài ra còn có các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP). Theo đó, hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép quyền liên quan cũng sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.
Đối với những hành vi sao chép có tính chất và mức độ nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đang được bảo hộ tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Thực hiện hành vi với quy mô thương mại;
- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trong trường hợp phạm tội có tổ chức; từ 2 lần trở lên; thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu pháp nhân phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì có thể bị phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Như vậy, hành vi xâm phạm quyền sao chép của quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị xử lý hình sự khi có đủ cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, để được hỗ trợ xử lý hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn