Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là một văn bản pháp lý quan trọng, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của từng người thừa kế đối với tài sản của người đã mất. Việc tuân thủ đúng quy định pháp luật khi lập và thực hiện thỏa thuận này sẽ giúp tránh tranh chấp không đáng có.
Quy định về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc
Theo khoản b Điều 1 Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2015, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế sẽ họp mặt để thỏa thuận về những vấn đề có liên quan đến di sản thừa kế, trong đó bao gồm cách thức phân chia di sản. Theo đó, mọi thỏa thuận của những người thừa kế, kể cả việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đều phải được lập thành văn bản.
Đồng thời tại Điều 659 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định về việc phân chia tài sản theo di chúc như sau:
1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
Theo đó, việc phân chia di sản luôn ưu tiên ý chí của người để lại di chúc. Nếu người để lại di chúc không quy định cụ thể phần thừa kế của từng người trong di chúc thì những người thừa kế theo di chúc nếu không muốn nhận phần di sản bằng nhau thì có quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc.
Quy định về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật
Căn cứ theo Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc phân chia di sản theo pháp luật như sau:
1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Đối với trường hợp phân chia di sản thừa kế theo pháp luật mà di sản là hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật đó để phân chia, cũng như thỏa thuận về người nhận hiện vật. Nếu những người thừa kế không thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật thì hiện vật sẽ được bán để chia cho những người thừa kế theo pháp luật.
Cần lưu ý rằng, khi lập thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, tất cả những người thừa kế phải cùng nhau thảo luận, thống nhất về việc phân chia di sản và cùng ký tên vào văn bản thỏa thuận. Mặc dù việc công chứng văn bản thỏa thuận là không bắt buộc nhưng được khuyến khích để đảm bảo tính pháp lý và tránh tranh chấp sau này. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn nên nhờ luật sư tư vấn để soạn thảo và thực hiện thỏa thuận nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về vấn đề “Quy định pháp luật về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?” xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư