Vượt đèn đỏ là gì?
Theo quy định pháp luật, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Theo đó, tín hiệu đèn giao thông cũng thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ mà người tham gia giao thông phải tuân thủ.
Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, vượt đèn đỏ là việc người tham gia giao thông vẫn tiếp tục di chuyển, vượt lên dù đã có tín hiệu đỏ ra lệnh cấm đi. Đây là hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử lý.
Xem thêm: Có trường hợp nào vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định, người điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ có thể bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng. Ngoài ra, tài xế có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà vượt đèn đỏ thì có thể bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, tài xế cũng có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.
Trường hợp vượt đèn đỏ gây tai nạn, người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị tước giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
Trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ
Không phải trường hợp nào xe cũng được rẽ phải khi đèn đỏ. Dưới đây là những trường hợp xe được rẽ phải khi đèn đỏ mà tài xế cần lưu ý:
a) Có tín hiệu của người điều khiển giao thông:
Theo Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT, khi có đồng thời các hình thức báo hiệu thì người điều khiển giao thông phải ưu tiên tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
b) Có đèn báo hiệu hình mũi tên chuyển màu xanh cho phép rẽ phải:
Theo quy định Luật Giao thông đường bộ, ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, bao gồm đèn báo hiệu cho phép rẽ phải.
c) Có biển báo phụ cho rẽ phải:
Biển báo phụ cho phép rẽ phải có hình chữ nhật, thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu, có nền xanh chữ trắng. Trường hợp biển báo có thêm ký hiệu xe máy, thì chỉ có xe máy mới được phép rẽ phải. Các phương tiện khác vẫn phải dừng lại trước vạch dừng.
d) Có vạch mắt võng:
Vạch mắt võng là các vạch màu vàng, đan xen nhau, xuất hiệu ở làn xe trong cùng của người đi đường, được sử dụng để báo cho người điều khiển phương tiện không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch này để tránh ùn tắc.
Vì vậy, khi có đèn đỏ mà đi trên vạch mắt võng thì người điều khiển phương tiện buộc phải rẽ phải, không được dừng, đỗ lại.
e) Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải:
Tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải hay còn gọi là Nhóm vạch kênh hóa dòng xe. Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện sẽ rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang tín hiệu đỏ.
Cần lưu ý rằng, trong tất cả các trường hợp được phép rẽ phải, người điều khiển phải bật xi nhan khi báo hiệu rẽ và nhường cho người đi bộ trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.
Nếu như người điều khiển tự ý rẽ phải không theo quy định thì có thể bị xử phạt lỗi vượt đèn đỏ với mức phạt tùy theo loại phương tiện như nêu trên. Đồng thời, người điều khiển cũng có thể bị tước giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.
Trên đây là bài viết sơ bộ về lỗi vượt đèn đỏ. Để tìm đọc thêm các bài viết liên quan, Quý Khách hàng vui lòng truy cập phan.vn hoặc liên hệ chúng tôi theo thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư