Mới đây, một người đã livestream (truyền video trực tiếp lên mạng) trái phép toàn bộ nội dung của bộ phim Cô Ba Sài Gòn hiện đang trình chiếu tại hệ thống các rạp trên toàn quốc.
Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả, gây thiệt hại cho nhà sản xuất bộ phim về doanh thu.
Việc quay lén, livestream phim chiếu rạp để phát tán trên mạng không đơn thuần là hành vi câu like, hay đơn giản là để chia sẻ cho mọi người cùng thưởng thức. Đây là hành vi không tôn trọng công sức lao động, sản phẩm sáng tạo của người khác và là hành vi vi phạm pháp luật.
Nghị định 131/2013/NĐ-CP đã quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định, phạt tiền từ 15-30 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm (Điều 17). Đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, phạt tiền từ 15-35 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số, hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (Điều 18).
Theo quy định tại Điều 170a Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, hành vi quay phim lén phát tán lên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù và phạt tiền đến 1 tỷ đồng nếu hành vi đó có quy mô thương mại. Cụ thể, cụm từ “quy mô thương mại” được hiểu dựa trên Điều 61 của Thỏa ước TRIPs là các hành vi xâm hại quyền được thực hiện một cách có tổ chức, nhằm mục đích sinh lợi, gây ảnh hưởng lớn đến quyền khai thác quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hợp pháp. Ngoài ra, đơn vị sản xuất có thể khởi kiện và yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại do hành vi vi phạm đó gây nên.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/hanh-vi-xam-pham-quyen-tac-gia-phim-anh-483817.html