Những ngày gần đây, sự việc cơ quan chức năng thu giữ lô mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trị giá hơn 11 tỷ đồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm giả nhãn mác của Công ty TNHH Thiên Nhiên TS Việt Nam đang gây xôn xao dư luận.
Có rất nhiều người nổi tiếng đã từng làm đại sứ thương hiệu quảng cáo sản phẩm cho công ty này. Dư luận đặt câu hỏi: “Đại sứ thương hiệu có phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật khi sản phẩm họ quảng cáo được khẳng định là hàng giả?”.
Khái niệm đại sứ thương hiệu không được quy định trong bất kỳ văn bản pháp lý nào. Về bản chất, những người này là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, được quy định tại khoản 8, Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là “người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định rất rõ trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Bên thứ ba ở đây được hiểu là các đại sứ thương hiệu đã ký hợp đồng quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp.
Theo đó, các đại sứ thương hiệu phải có trách nhiệm bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ (khoản 1, Điều 13). Tùy vào tính chất, mức độ, hành vi mà các đại sứ thương hiệu này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo quy định tại Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì bên thứ ba có một trong các hành vi như cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp theo quy định; không có chứng cứ chứng minh hoặc không thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng trên thực tế, hành vi đã biết về sản phẩm mình quảng cáo là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc mà vẫn cố tình quảng cáo với người tiêu dùng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của họ thì đại sứ thương hiệu cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong vai trò đồng phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù lên tới 15 năm. Đồng thời, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) thì hành vi của các đại sứ thương hiệu này có thể có thể bị phạt tiền từ 100 triệu – 1 tỷ đồng; khung hình phạt từ thấp nhất là 1 năm và cao nhất là 15 năm; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 – 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Từ vụ việc lô mỹ phẩm trị giá hơn 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Thiên Nhiên TS Việt Nam bị nghi ngờ là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đòi hỏi pháp luật phải xây dựng những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với những người giữ vai trò đại sứ thương hiệu, để nâng cao trách nhiệm của họ trong việc rà soát, kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm trước khi quảng cáo cho cộng đồng.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/quang-cao-hang-gia-co-chiu-trach-nhiem-lien-doi-484441.html