Trong thời buổi ngày nay, việc các nhà đầu tư ồ ạt đến đầu tư tại thị trường Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh không phải là điều xa lạ. Với việc ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, Việt Nam đã thiết lập khung pháp lý nhằm điều chỉnh sự tham gia đầu tư cũng như thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (hay còn gọi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, viết tắt là tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN).
>> Tìm hiểu bài viết về đăng ký doanh nghiệp trực tuyến: Hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp trực tuyến
Doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài được hiểu như thế nào?
Theo Khoản 17, Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Như vậy, theo quy định này thì tổ chức có vốn ĐTNN là tổ chức có sự tham gia của nhà ĐTNN với bất kỳ tỷ lệ sở hữu nào trong vốn điều lệ của tổ chức đó.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2014 thì tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN chỉ phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà ĐTNN khi thuộc một trong các trường hợp:
- Thứ nhất, tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên
- Thứ hai, tổ chức kinh tế có sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN sở hữu từ 51% vốn điều lệ.
Cách thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là gì?
Nhà đầu tư nước ngoài khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam có thể chọn một trong hai cách sau để thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài:
Cách 1: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (tham khảo Khoản 1 Điều 22 Luật đầu tư 2014)
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Nhược điểm: Phải thực hiện hai thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký thành lập doanh nghiệp thì mới có thể tiến hành hoạt động. Quá trình xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận kinh doanh trong trường hợp này hơi phức tạp so với doanh nghiệp trong nước, sẽ đòi hỏi nhiều thời gian để hoàn thành các quy trình (như chứng nhận vốn góp, vốn đầu tư thực hiện dự án tỷ lệ vốn góp, ,…).
Ưu điểm: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm chủ công ty, toàn quyền quyết định chính sách kinh doanh cũng như trực tiếp nắm giữ lợi nhuận
Cách 2: Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, sau đó tham gia quản lý công ty theo sự thỏa thuận của các bên.
Ưu và nhược điểm sẽ ngược lại so với cách 1
Thủ tục thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ra sao?
Để thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì các bạn thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định điều kiện vốn đầu tư, thông tin dự án đầu tư, ngành nghề đầu tư kinh doanh
Việt Nam trở thành thành viên WTO vào năm 2007, theo đó giữa Việt Nam và các nước thành viên WTO sẽ tồn tại bản cam kết điều chỉnh điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư thương mại và dịch vụ tại Việt Nam. Vì vậy, không phải mọi lĩnh vực Việt Nam đều tiến hành mở cửa và từng lĩnh vực sẽ có mức độ mở cửa khác nhau. Nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ ngành nghề đầu tư có trong biểu cam kết WTO và mức độ mở cửa như thế nào trước khi tiến hành xin giấy chứng nhận đầu tư.
Sau khi đã xác định lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư cần phải chứng minh tài chính đủ khả năng thực hiện dự án bằng cách xác nhận số dư tài khoản (đối với cá nhân) hoặc báo cáo tài chính gần nhất (đối với tổ chức); sự chấp thuận dự án (đối với dự án yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư) và thông tin dự án đầu tư.
Bước 2: Thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hiện nay, Việt Nam cho phép thực hiện thủ tục nộp hồ sơ đầu tư trực tuyến thông qua trang Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, sau khi đăng nhập vào tài khoản thì bắt đầu kê khai thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Sau khi Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để theo dõi tình hình xử lý hồ sơ.
Cơ quan đăng ký đầu tư sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ đăng ký đầu tư, cập nhật tình hình xử lý hồ sơ và cấp mã số cho dự án đầu tư.
Bước 3: Đăng ký thành lập doanh nghiệp
Sau khi hoàn thành hết các thủ tục cần thiết về đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh, tiến hành các thủ tục khắc dấu và công bố mẫu dấu.
Trên đây là các nội dung tư vấn về các vấn đề liên quan đến hướng dẫn thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Liên hệ Phan Law Vietnam theo thông tin sau đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn