Nhượng quyền thương mại có bản chất thực sự là một hoạt động kinh doanh thương mại giữa những thương nhân với nhau. Trong đó bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận quyền sử dụng các quyền thương mại đặc thù và yêu cầu bên kia tự mình tiến hành việc kinh doanh, mua bán hàng hoá theo những điều kiện nhất định. Nhìn chung lợi ích của việc nhượng quyền thương mại đối với các bên là khá thiết thực. Do đó mà phương thức này được rất nhiều các thương nhân quan tâm.
Lợi ích đối với bên nhượng quyền
Trong quan hệ nhượng quyền thương mại thì bên nhượng quyền được định nghĩa theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 120/2011/NĐ-CP) là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp. Khi có thoả thuận nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền sẽ được hưởng những quyền và lợi ích nhất định theo Điều 286 Luật thương mại 2005. Nếu không có bất kỳ thoả thuận nào khác trong hợp đồng nhượng quyền thì thương nhân nhượng quyền có các quyền như sau:
– Nhận tiền nhượng quyền
– Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại
– Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
Nếu nhìn từ những chiến lược kinh doanh thì việc nhượng quyền thương mại là cách mà bên nhượng quyền có thể mở rộng quy mô kinh doanh của mình. Ngoài ra đối với những thương nhân đang có khó khăn trong quá trình hoạt động thì việc nhượng quyền giúp tận dụng được tối đa nguồn lực bên ngoài và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Lợi ích đối với bên nhận quyền
Lợi ích của việc nhượng quyền thương mại không chỉ dành cho bên nhượng quyền mà còn đối với cả bên nhận quyền. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 120/2011/NĐ-CP) thì bên nhận quyền là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhượng quyền thứ cấp. Quyền của thương nhân nhận quyền theo quy định tại Điều 288 Luật thương mại 2005 thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:
– Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại
– Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Thông thường bên nhận quyền sẽ là những thương nhân mới gia nhập vào thị trường nên cần tìm kiếm một nền tảng phát triển. Bằng việc nhận quyền thương mại, những thương nhân mới này có thể tận dụng được những nguồn lực cũng như nguồn khách hàng sẵn có để phát triển kinh doanh. Cách thức kinh doanh này cũng được xem là hạn chế rủi ro đối với những thương nhân mới. Bởi trong quá trình kinh doanh, bên nhượng quyền đã tương đối vững chắc và có dấu ấn trên thị trường. Những sản phẩm, dịch vụ của bên nhượng quyền đã được người tiêu dùng hiểu khá rõ nhờ những chiến dịch quảng bá trước đó. Vì thế khi bên nhận quyền nhận lại sẽ ít gặp rủi ro nhất trong quá trình kinh doanh của mình về sau này.
Để hiểu rõ hơn về cách thức nhượng quyền cũng như lợi ích của việc nhượng quyền thương mại, bạn có thể liên hệ về với Phan Law Vietnam để được tư vấn chi tiết.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn