Lỗi phạt vượt đèn đỏ là bao nhiêu?
Khi lái xe trên đường, việc vượt đèn đỏ không chỉ là một hành vi vi phạm luật giao thông mà còn có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, từ tai nạn giao thông đến nguy cơ mất mạng. Việc xử phạt lỗi vượt đèn đỏ được thực hiện một cách nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông. Tùy theo mức độ hậu quả mà lỗi vượt đèn đỏ gây ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, đối với lỗi không tuân thủ tín hiệu giao thông được quy định chi tiết và thiết lập với hình thức xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, cũng tùy vào từng phương tiện giao thông mà mức phạt sẽ khác nhau, cụ thể:
Lỗi phạt vượt đèn đỏ đối với ô tô
Căn cứ vào điểm a khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trong trường hợp người điều khiển ô tô vi phạm lỗi vượt đèn đỏ và không tuân thủ các hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông hay tín hiệu của đèn giao thông, mức phạt sẽ là từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm lỗi vượt đèn đỏ sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trường hợp, người điều khiển gây tai nạn giao thông, thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe là từ 02 – 04 tháng.
Lỗi phạt vượt đèn đỏ đối với xe máy
Theo điểm e, khoản 4, điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trong trường hợp xe vượt đèn đỏ gây tai nạn thời gian giữ bằng lái từ 2 đến 4 tháng.
Lỗi phạt vượt đèn đỏ đối với các phương tiện khác
Theo điểm đ Khoản 5, điểm a, b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm d Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP: Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng.
Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 4 tháng nếu gây tai nạn.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra có thể khởi tố Vụ án hình sự đối với hành vi vượt đèn đỏ làm chết người về tội Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ theo điểm d khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt tù từ 03 năm tới 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục lỗi vượt đèn đỏ
Khắc phục lỗi vượt đèn đỏ cần phải bắt đầu từ việc thay đổi hành vi lái xe và thực hiện các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn giao thông. Dưới đây là một số biện pháp có thể thực hiện:
- Luôn tuân thủ quy định về đèn giao thông và tín hiệu đèn để tránh vượt đèn đỏ.
- Tăng cường ý thức và nhận thức về hậu quả nghiêm trọng của việc vượt đèn đỏ đối với bản thân và người khác. Việc giáo dục và tăng cường nhận thức này có thể thông qua các chiến dịch, chương trình giáo dục giao thông hoặc thông tin trên phương tiện truyền thông.
- Đảm bảo xe luôn trong tình trạng hoạt động tốt, đặc biệt là hệ thống phanh và đèn xe.
- Tham gia các khóa đào tạo lái xe an toàn hoặc thực hành lái xe dưới sự giám sát của người có kinh nghiệm để cải thiện kỹ năng lái xe và nhận thức về an toàn giao thông.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ lái xe như hệ thống cảnh báo vượt đèn đỏ trên xe (nếu có) hoặc sử dụng ứng dụng di động để cảnh báo về tình trạng đèn giao thông.
- Thiết lập và thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với việc vượt đèn đỏ, bao gồm việc áp dụng các biện pháp phạt tiền và cấm lái xe trong một khoảng thời gian nhất định.
Việc kết hợp các biện pháp trên có thể giúp giảm thiểu việc vượt đèn đỏ và cải thiện an toàn giao thông. Chúc bạn và gia đình tham gia giao thông luôn an toàn.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư