Lỗi vượt đèn đỏ là một trong các lỗi vi phạm luật giao thông nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Lỗi vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu, các bạn có thể tham khảo trong bài viết dưới đây.
Lỗi vượt đèn đỏ là gì?
Theo Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
– Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
– Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
- Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;
- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;
- Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
– Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, quy định như sau:
- Tín hiệu xanh là được đi;
- Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, khi đèn giao thông chuyển màu sang đỏ là tín hiệu cấm đi. Nếu bạn gặp đèn đỏ mà vẫn tiếp tục đi thì bạn sẽ bị phạt với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, đó được xem là lỗi vượt đèn đỏ.
Lỗi vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với từng loại phương tiện được quy định như sau:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
- Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 4 tháng nếu gây tai nạn.
Vượt đèn đỏ có bị phạt nguội không?
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm giao thông gồm 2 hình thức: phạt trực tiếp và phạt nguội. Theo quy định của pháp luật, tất cả các hành vi vi phạm giao thông đều được xử phạt 1 trong 2 hình thức trên. Do vậy, người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ vẫn bị phạt nguội nếu chưa bị phạt trực tiếp.
Khi bị phạt nguội vượt đèn đỏ, người tham gia giao thông có thể nộp phạt qua các cách sau:
- Nộp tại trụ sở công an giao thông được ghi trong thông báo nộp phạt.
- Nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại được ủy nhiệm thu phạt ghi trong quyết định xử phạt.
- Chuyển khoản vào tài khoản Kho bạc nhà nước trong quyết định xử phạt.
- Nộp cho người có thẩm quyền xử phạt trong các trường hợp: Xử phạt hành chính không lập biên bản hành chính, tại vùng núi sâu xa, gần biên giới, đi lại khó khăn.
- Nộp vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ Bưu điện.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư