Khi mua thực phẩm, để tránh rủi ro mua phải sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng nên có các kiến thức cơ bản của quy định pháp luật về thực phẩm an toàn.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu xem cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) hay chưa. Việc tra cứu được thực hiện tại mục “Tra cứu” trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục ATTP (Bộ Y tế).
Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP), những cơ sở sau đây không nằm trong diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP: sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; nhà hàng trong khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố; cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP); Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); Hệ thống quản lý ATTP ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS); Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC); Chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Theo đó, các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ sẽ không nằm trong diện xét cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Mặc dù các cơ sở nhỏ lẻ cũng phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật ATTP, nhưng sẽ rất khó để quản lý được chất lượng sản phẩm của những cơ sở này.
Vì thế, khi chọn mua sản phẩm từ những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ, chọn lựa các cơ sở uy tín, được nhiều người tin dùng. Người tiêu dùng nên tránh mua các sản phẩm giả, nhái, được chào mời với các chương trình khuyến mãi lớn nhằm kích thích nhu cầu mua của người tiêu dùng.
Trên thị trường hiện nay, không thiếu các trường hợp sản phẩm giả, nhái, lấy tên tương tự, gây nhầm lẫn với các sản phẩm của những cơ sở sản xuất, kinh doanh có tiếng. Người tiêu dùng có thể tra cứu chính xác các nhãn hiệu thực phẩm được bảo hộ thông qua Thư viện số về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Từ đó có thể dễ dàng nhận biết các nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn.
Đối với các nhãn hiệu thực phẩm có tiếng nhưng chưa đăng ký bảo hộ, người tiêu dùng phải cẩn thận tra cứu xem các địa điểm kinh doanh, bán hàng của những cơ sở này được đặt tại đâu để tránh mua phải sản phẩm giả, nhái. Thông thường các thông tin này sẽ được công bố trên website chính thức của những cơ sở sản xuất kinh doanh nói trên.
Luật sư HÀ THỊ KIM LIÊN (Văn phòng LS Phan Law Vietnam)
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/lua-chon-thuc-pham-an-toan-616161.html