Dư luận đang có ý kiến trái chiều về vụ việc một ca sĩ yêu cầu nhà sản xuất một bộ phim phải bồi thường thiệt hại do đã dùng ca khúc do ca sĩ đó thể hiện và ê kíp của ca sĩ đó sản xuất, mặc dù nhà sản xuất bộ phim đã mua tác quyền từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009 và Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, ca khúc là một tác phẩm âm nhạc, một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Trong đó, tác phẩm âm nhạc được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác, hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
Như vậy, tác phẩm âm nhạc trong trường hợp này được bảo hộ thực chất là giai điệu và lời của ca khúc, là sản phẩm sáng tạo của nhạc sĩ. Điều đó có nghĩa là khi nhà sản xuất xin phép sử dụng tác quyền (tức quyền tác giả) của ca khúc, nhạc sĩ chỉ xin phép được sử dụng giai điệu và lời bài hát mà thôi.
Tuy nhiên, một ca khúc muốn đưa tới công chúng luôn có sự tham gia của nhiều chủ thể khác, như ca sĩ (người biểu diễn), nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình của ca khúc đó…
Những chủ thể này đều tham gia và đóng góp công sức, sự sáng tạo của mình (ví dụ như thể hiện bài hát truyền cảm, phối bản nhạc phù hợp với tông giọng ca sĩ để đưa ra bản thu âm hoàn chỉnh…), do đó, đều được luật pháp ghi nhận và bảo vệ sản phẩm sáng tạo của họ dưới tên gọi “quyền liên quan đến quyền tác giả”.
Theo Điều 16, Điều 17, Điều 29, Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ, người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư cuộc biểu diễn đó sẽ có quyền đối với cuộc biểu diễn của họ và nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ có quyền đối với bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn đó.
Cụ thể, các chủ thể này được quyền tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền sao chép, truyền đạt và phân phối tới công chúng đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình thuộc sở hữu của mình, đồng thời hưởng quyền lợi vật chất từ các quyền đó.
Vì vậy, trong trường hợp nhà sản xuất bộ phim hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng một ca khúc, cụ thể ở đây là một clip ca khúc đã được ca sĩ phát hành trước đó, cần phải liên hệ xin cấp phép và trả tiền bản quyền cho các chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đối với clip nhạc đó, cụ thể là: tác giả, người biểu diễn hoặc nhà đầu tư cuộc biểu diễn đó, nhà sản xuất clip nhạc.
Luật sư VÕ TRUNG TÍN (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/ban-quyen-tac-pham-am-nhac-617173.html