Luật tài sản là gì?
Luật tài sản, hay chính xác hơn là những quy định pháp luật về tài sản, không có luật riêng lẻ, mà được ghi nhận chung, căn bản, chủ yếu trong Bộ luật dân sự. Trong đó, có định nghĩa khái quát về tài sản, quyền tài sản và các cơ chế để người dân bảo vệ quyền tài sản của mình.
Luật tài sản cũng có xuất hiện rải rác trong các quy định pháp luật chuyên ngành, như quy định về chế độ tài sản vợ chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình, quy định về quyền sở hữu nhà ở trong Luật Nhà ở, quy định về xác lập và bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ,…
Tuy nhiên, về nguyên tắc, các quy định pháp luật về tài sản, dù ở góc độ chuyên ngành nào, cũng xuất phát từ nền tảng của Bộ luật dân sự.
Nội dung Luật tài sản
Căn cứ theo Bộ luật dân sự, luật tài sản bao gồm ba nội dung lớn: 1- Tài sản là gì; 2- Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản; 3- Bảo vệ quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản.
Thứ nhất, về nội dung tài sản là gì, Bộ luật dân sự liệt kê tương đối rộng: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Theo đó, tài sản có thể là bất động sản hoặc động sản, đang hiện có hoặc sẽ hình thành trong tương lai, chia được hoặc không chia được, tiêu hao hoặc không tiêu hao, hữu hình hoặc vô hình.
Việc xem xét liệu một vật có phải tài sản hay không có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì, chỉ khi được xem là tài sản dưới góc độ pháp luật thì các quy định về bảo vệ quyền sở hữu và các quyền khác đối với vật đó mới được áp dụng. Ví dụ, khi tiền ảo không được xem là tài sản thì các giao dịch về tiền ảo không được pháp luật bảo hộ.
Thứ hai, về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, sở dĩ Bộ luật dân sự có những quy định này là bởi 02 nguyên do: (1) tài sản có thể vô chủ hoặc được sở hữu, được sở hữu riêng hoặc được sở hữu chung; (2) có những trường hợp không phải chủ sở hữu tài sản nhưng vẫn có thể quản lý, sử dụng, cũng như có một số quyền nhất định đối với tài sản.
Theo đó, quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản. Về cơ bản, một người có quyền sở hữu một tài sản khi người đó sáng tạo ra tài sản đó hoặc có được tài sản đó một cách hợp pháp, như được tặng cho, nhận chuyển nhượng, sở hữu tài sản vô chủ,…
Tuy nhiên, có một số tài sản mà quyền sở hữu đối với những tài sản đó phải được xác lập thông qua các thủ tục đăng ký xác lập quyền với cơ quan nhà nước.
Quyền khác đối với tài sản là quyền chủ chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt.
Thứ ba, về bảo vệ quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, Bộ luật dân sự có quy định những nguyên tắc như sau:
1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Theo đó, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
Đồng thời, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Để được tư vấn chi tiết về tranh chấp sở hữu tài sản, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư