Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Việc sử dụng hè phố cho hoạt động văn hóa, thể thao hoặc các mục đích tạm thời khác phải xin phép cơ quan quản lý đường bộ hoặc được UBND cấp tỉnh quy định.
Hiện nay, việc lấn chiếm, sử dụng hè phố sai mục đích đang là một thực trạng phổ biến, gây cảnh nhếch nhác mất trật tự, vệ sinh và mỹ quan đô thị, trở ngại cho người đi bộ. Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định một số hình phạt đối với việc sử dụng hè phố sai mục đích như sau:
Đối với hành vi đậu, để xe ở hè phố trái quy định pháp luật: Phạt tiền từ 60.000 – 80.000 đồng với người vi phạm điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ; từ 100.000 – 200.000 đồng với người vi phạm điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy; từ 600.000 – 800.000 đồng với người vi phạm điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô.
Đối với hành vi điều khiển xe trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe qua hè phố để vào nhà), người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng nếu điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện). Trong trường hợp điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, ngoài việc bị phạt tiền từ 800.000 – 1,2 triệu đồng, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
Nếu có hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, rửa xe, đặt hay treo biển hiệu và biển quảng cáo, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông (trừ trường hợp rơi vào hành vi vi phạm khác đã được quy định mức phạt theo Nghị định 46/2016) thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu – 3 triệu đồng, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu – 6 triệu đồng.
Riêng với hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông giữ xe, mức phạt tiền sẽ tùy vào diện tích chiếm dụng (Điều 12). Cụ thể như sau: Phạt tiền từ 2 triệu – 3 triệu đồng đối với cá nhân chiếm dụng dưới 5m²; 4 triệu – 6 triệu đồng đối với cá nhân chiếm dụng từ 5m² đến dưới 10m²; từ 6 triệu – 8 triệu đồng đối với cá nhân chiếm dụng từ 10m² đến dưới 20m²; 10 triệu – 15 triệu đồng đối với cá nhân chiếm dụng từ 20m² trở lên. Nếu đối tượng có hành vi chiếm dụng hè phố làm nơi trông giữ xe là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần mức nêu trên.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/quy-dinh-xu-phat-hanh-vi-chiem-dung-he-pho-364954.html