Tất cả các hành vi đánh đập, hành hạ, mang tính chất xâm phạm thân thể hoặc đối xử tồi tệ với trẻ em đều là các hành vi xâm hại quyền trẻ em và bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện.
Điều 5, Điều 7 và Điều 14 Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 đã quy định chế tài xử lý hành vi xâm hại quyền trẻ em. Chế tài xử lý đối với những đối tượng thực hiện hành vi bạo hành trẻ em sẽ tùy theo mức độ của hành vi và hậu quả mà hành vi đó mang lại. Bao gồm các hình thức như sau: Xử phạt hành chính đối với đối tượng thực hiện hành vi ngược đãi trẻ em, phạt tiền từ 5 triệu – 10 triệu đồng và buộc phải chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em (nếu có) theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Xử phạt hành chính đối với đối tượng là nhà giáo thực hiện hành vi ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học, phạt tiền từ 5 triệu – 10 triệu đồng và đình chỉ giảng dạy từ 1 – 6 tháng theo quy định tại Điều 21 Nghị định 138/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh những chế tài xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em với mức độ đặc biệt nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cả Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 hiện hành và BLHS năm 2015 sắp có hiệu lực thi hành đều quy định mức phạt tù đối với người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt, đó là trong BLHS năm 2015, từ “trẻ em” đã không còn được sử dụng, thay vào đó là cụm từ “người dưới 16 tuổi” nhằm xác định rõ độ tuổi đối tượng bị bạo hành.
Cụ thể có các tội danh và hình thức xử lý theo quy định của BLHS năm 1999 (văn bản đang có hiệu lực) như sau: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm theo quy định tại Điều 104. Tội hành hạ trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm theo quy định tại Điều 110. Tội đe dọa giết trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 7 năm theo quy định tại Điều 103. Tội giết trẻ em với mức phạt tù cao nhất là tử hình theo quy định tại Điều 93.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/xu-ly-hanh-vi-xam-hai-quyen-tre-em-436457.html