Vì mua bán nhãn hiệu là việc mua bán quyền sở hữu trí tuệ – một loại tài sản còn tương đối mới mẻ trên thị trường, nên để tránh gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, các nhà làm luật đã đưa ra một số điều kiện trong hoạt động mua bán nhãn hiệu.
Xem thêm:
>> Dấu hiệu trùng và tương tự trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
>> Nhượng quyền thương mại và li-xăng có phải là một?
>> Tình tiết mới vụ tranh chấp bản quyền bài thơ Gánh Mẹ
Khoản 4 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật SHTT) quy định điều kiện hạn chế khi thực hiện việc mua bán là không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Trên thực tế, một trong những trường hợp có thể gây nhầm lẫn về đặc tính nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ chính là việc “mua – bán” nhãn hiệu có chứa dấu hiệu tương tự với tên thương mại của bên bán.
Khoản 21 Điều 4 Luật SHTT định nghĩa: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Để việc chuyển nhượng nhãn hiệu không gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ thì hai bên cần chứng minh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền rằng, cả tên thương mại của bên bán cũng được chuyển nhượng cho bên mua.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 139 Luật SHTT quy định điều kiện hạn chế khi chuyển nhượng tên thương mại như sau: quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
Hay nói cách khác, để bên bán có thể chuyển nhượng tên thương mại cho bên mua, bên bán phải thực hiện và cung cấp tài liệu, giấy tờ chứng minh liên quan đến một trong các công việc sau: Bên bán chuyển nhượng toàn bộ công ty cho bên mua; bên bán loại bỏ các ngành nghề kinh doanh liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu và việc loại bỏ đó phải được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bên bán giải thể công ty, không còn tồn tại sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu; hoặc bên bán đã đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng sao cho không còn chứa yếu tố tương tự với nhãn hiệu được chuyển nhượng.
Như vậy, để tránh bị từ chối chuyển nhượng nhãn hiệu, bên bán là doanh nghiệp cần cân nhắc khi tiến hành chuyển nhượng các nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ vì có chứa yếu tố tương tự với tên thương mại của mình.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn