Ở nước ta, việc vi phạm bản quyền phần mềm đang diễn ra rất phổ biến. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị chế tài từ phạt vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự.
Pháp luật nước ta có các quy định chế tài đối với hành vi vi phạm bản quyền phần mềm. Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự, cá nhân bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với hành vi sao chép tác phẩm hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm mà xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Đối với trường hợp pháp nhân thương mại đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Theo khoản 2 Điều 225 Bộ luật Hình sự, trường hợp cá nhân phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500 triệu đồng trở lên, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng LS Phan Law Vietnam)
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/su-dung-phan-mem-lau-la-hanh-vi-pham-phap-639152.html