Thủ tục thành lập tổ chức tín dụng được thực hiện căn cứ vào Luật các tổ chức tín dụng, Luật doanh nghiệp cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan. Về cơ bản, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, tuy nhiên đây là loại hình đặc biệt, với đối tượng kinh doanh trực tiếp là tiền tệ.
Xem thêm:
>> Hướng dẫn chuyển nhượng thương hiệu đúng luật
>> Tư vấn chuyển nhượng cổ phần theo quy định của luật doanh nghiệp 2020
>> Chuyển giao quyền tác giả là gì?
Tổ chức tín dụng là gì?
Căn cứ theo quy đinh tại Khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật sửa đổi bổ sung năm 2017 khái niệm tổ chức tín dụng được quy định cụ thể như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tỉn dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vỉ mô và quỹ tín dụng nhân dân”.
Về bản chất thì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp. Tuy vậy, tổ chức tín dụng có những khác biệt để nhận biết, phân biệt chúng với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề khác trong nền kinh tế.
- Thứ nhất, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp có đối tượng kinh doanh trực tiếp là tiền tệ.
- Thứ hai, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là hoạt động ngân hàng. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt doanh nghiệp là tổ chức tín dụng với các loại hình doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác. Nội dung kinh doanh chủ yếu của tổ chức tín dụng là kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ: Nhận tiền gửi; cấp tín dụng; Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Các hình thức hoạt động của tổ chức tín dụng
Các hình thức tổ chức đối với các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 6 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, cụ thể như sau:
– Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
– Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
– Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.
– Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thủ tục thành lập tổ chức tín dụng theo luật hiện hành
Thủ tục thành lập tổ chức tín dụng theo luật hiện hành
Căn cứ quy định tại Luât Các tổ chức tín dụng, thủ tục thành lập các tổ chức tín dụng được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định và gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra,Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sẽ thay đổi theo từng loại hình tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhìn chung hồ sơ phải được lập theo nguyên tắc lập hồ sơ được quy định tại Điều 13 Thông tư 40/2011/TT-NHNN như sau:
Các văn bản tại hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải do Trưởng Ban trù bị ký, các văn bản do Trưởng Ban trù bị ký phải có tiêu đề “Ban trù bị thành lập tên ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện phải do người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng ký.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần được lập 01 bộ gốc bằng tiếng Việt.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện được lập thành 02 bộ gốc gồm một bộ bằng tiếng Việt và một bộ bằng tiếng Anh, trong đó:
- Bộ hồ sơ tiếng Anh phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ các tài liệu sau đây: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ gửi trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước; Các báo cáo tài chính được lập trực tiếp bằng tiếng Anh.
- Các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định về chứng thực của pháp luật Việt Nam;
- Bản dịch các báo cáo tài chính phải được xác nhận của tổ chức, cá nhân được phép hành nghề dịch thuật theo quy định của pháp luật;
- Các văn bản tiếng Việt là bản gốc (hoặc sao từ bản gốc tiếng Việt) được lập tại Việt Nam không cần phải dịch ra tiếng Anh;
Trường hợp các giấy tờ là bản sao mà không phải là bản sao có chứng thực, bản sao được cấp từ sổ gốc thì phải xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính;
Trong mỗi bộ hồ sơ phải có danh mục tài liệu trong bộ hồ sơ.
Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện được cấp Giấy phép phải nộp lệ phí cấp Giấy phép tại Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép.
Bước 2: Cấp giấy phép thành lập và hoạt động các tổ chức tín dụng
Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là 60 ngày.”
Bước 3. Công bố thông tin hoạt động
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải công bố trên phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước và trên một tờ báo viết hằng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử của Việt Nam ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương
Bước 4. Khai trương hoạt động
Các tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép chỉ được tiến hành hoạt động kể từ ngày khai trương hoạt động. Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết.
Trên thực tế, việc thành lập tổ chức tín dụng sẽ phức tạp hơn rất nhiều, điều này gây khó khăn không ít cho các thương nhân. Để được tư vấn thêm, vui lòng liên hệ Phan Law Vietnam theo thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư