Việt Nam hiện đang trong giai đoạn cao điểm của việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu COVID-19. Bộ Y tế Việt Nam đã xếp bệnh do virus Covid-19 gây ra vào nhóm A – nhóm đặc biệt nguy hiểm vì bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh.
Trốn cách ly phòng Covid-19 có phải hành vi vi phạm pháp luật?
Hàng loạt các biện pháp được Nhà nước ban hành nhằm kiểm soát dịch bệnh như: Cách ly tập trung, phân vùng cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh một số ngành nghề đặc biệt,… Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cố tình không thực hiện những chỉ thị này từ Nhà nước, đặc biệt đã xuất hiện một vài trường hợp không hợp tác và tìm cách trốn tránh yêu cầu cách ly. Cần phải hiểu rằng yêu cầu cách ly từ Nhà nước là bắt buộc phải thực hiện, không phải trường hợp được quyền lựa chọn theo sở thích cá nhân.
Đối với những trường hợp có hành vi trốn tránh yêu cầu cách ly, hoặc trốn khỏi nơi cách ly tập trung có thể sẽ phải chịu chế tài từ pháp luật. Cụ thể, tại Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với các hành vi không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Đồng thời với việc xử phạt hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện biện pháp khắc phục đối với người vi phạm đó là Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, hành vi trốn cách ly tùy thuộc vào hệ quả thiệt hại kéo theo còn có thể bị khép vào khung phạt hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Khung hình phạt này được chia ra thành hai loại, khung phạt tù từ 01 đến 05 năm và phạt tù từ 05 đến 10 năm tùy vào mức độ vi phạm của người vi phạm.
Ngoài ra, hành vi trốn cách ly còn vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức xã hội. Đây là hành động thiếu suy nghĩ của một cá nhân có thể khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội. Vì vậy, mỗi công dân cần phải nhận thức được tầm quan trọng, vai trò và nghĩa vụ trong phòng chống dịch, nghiêm túc chấp hành các hướng dẫn của các cơ quan chức năng và quy định của pháp luật về phòng, chống dịch để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, vừa bảo đảm an toàn cho người thân, cộng đồng, góp phần hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời tránh những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức và pháp lý.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn