Cần sa là một loại cây chứa chất ma túy. Pháp luật Việt Nam quy định về xử lý việc trồng cây cần sa như thế nào?
Trong thành phần của cần sa có chứa chất ma túy, cho nên người hút sẽ dần bị lệ thuộc vào cần sa và dẫn đến bị nghiện. Dần dần, người nghiện sẽ tăng liều, hay tìm kiếm những loại ma túy mạnh hơn. Với tính chất nguy hiểm đó, việc trồng cây cần sa với bất cứ mục đích gì cũng bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị.
Căn cứ khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng chống và kiểm soát ma túy, người trồng cây cần sa với số lượng nhỏ (dưới 500 cây) và vi phạm lần đầu, có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 21 nghị định này. Đối với trường hợp người vi phạm là người nước ngoài, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo khoản 7 Điều 21.
Đối với người vi phạm đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, hoặc trồng cần sa có số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trường hợp người phạm tội đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội có tổ chức, hoặc trồng trên 3.000 cây trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Ngoài các hình phạt trên, khoản 3 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trên thực tế, một số người dân tin theo những đồn thổi về tác dụng thần kỳ của cây cần sa trong chữa bệnh hay trong chăn nuôi, dẫn đến việc trồng cây cần sa, vi phạm pháp luật mà không biết. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn việc trồng loại cây nguy hiểm này trong nhân dân.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/trong-cay-can-sa-bi-xu-ly-the-nao-570241.html