Mọi doanh nghiệp đều phải có trụ sở chính để tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình. Trụ sở này sẽ do chính doanh nghiệp quyết định lựa chọn sẽ được đặt tại địa điểm nào. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động thì vì những lý do khác nhau mà doanh nghiệp đó có thể thay đổi trụ sở chính của mình. Việc thay đổi này có tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến doanh nghiệp và một trong số đó chính là hóa đơn GTGT.
Thay đổi trụ sở chính của doanh nghiệp
Điều 43 Luật doanh nghiệp 2014 định nghĩa trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Doanh nghiệp có quyền thay đổi trụ sở chính của mình nhưng phải thực hiện theo thủ tục được quy định tại Điều 40 Nghị định 78/2015/NĐ-CP Nghị định về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó:
– Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đã đăng ký, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
– Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi doanh nghiệp đã đăng ký, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi dự định đặt trụ sở mới.
Việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Xử lý hóa đơn GTGT khi thay đổi trụ sở
Sau khi thay đổi địa chỉ kinh doanh, bạn cần thông báo với Sở kế hoạch và đầu tư về việc thay đổi địa chỉ kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn cần tiến hành xử lý đối với hóa đơn của doanh nghiệp mình. Việc xử lý hóa đơn đó được thực hiện theo hai hình thức được quy định tại Mục IV Công văn 2010/TCT-TVQT Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Theo đó:
– Trường hợp thứ nhất, việc thay đổi địa chỉ kinh doanh không làm thay đổi cơ quan thuế: Đối với các số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên từ hóa đơn, khi có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC) và được sử dụng ngay hóa đơn.
– Trường hợp thứ hai, sự thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp:
+ Nếu tổ chức có nhu cầu tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành chưa sử dụng thì thực hiện như sau:
- Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi.
- Đóng dấu địa chỉ mới lên hóađơn, gửi bảng kê hóa đơn chưa sử dụng, thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế nơi chuyển đến và được sử dụng ngay hóa đơn.
+ Nếu tổ chức không có nhu cầu sử dụng số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết thì thực hiện hủy các số hóa đơn chưa sử dụng và thông báo kết quả hủy hóa đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi và thực hiện thông báo phát hành hóa đơn mới với cơ quan thuế nơi chuyển đến.
Như vậy khi thay đổi trụ sở chính của mình thì doanh nghiệp cần tiến hành xử lý hóa đơn GTGT. Tuy nhiên việc xử lý này sẽ phụ thuộc vào chính tình hình thực tế của doanh nghiệp. Nếu vẫn chưa xác định được chính xác trường hợp của mình, doanh nghiệp có thể nhờ đến sự hỗ trợ của Phan Law Vietnam.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn