Vừa qua, mạng xã hội xôn xao về sản phẩm bộ quần áo có tên “bộ tiền tài lộc” được livestream rao bán trên Facebook. Loại quần áo này được thiết kế in hình ảnh các loại tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng đang lưu hành tại Việt Nam. Bộ sản phẩm nhanh chóng thu hút được lượng người xem và mua hàng đông đảo. Tuy nhiên, thực tế đây lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Xem thêm:
>> Quyết định khởi tố bệnh nhân số 2278 làm lây lan dịch bệnh tại Hải Dương
>> Mẹ và người tình bạo hành, xâm hại bé gái 12 tuổi
>> Nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng MTV ở MV Chúng ta của hiện tại
Những bộ quần áo in hình ảnh tiền tệ Việt Nam, rao bán trên mạng xã hội.
Quy định về bảo vệ tiền tệ Việt Nam
Tiền Việt Nam bao gồm: tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) phát hành. Đây là phương tiện thanh toán trên lãnh thổ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg, những hành vi bị nghiêm cấm đối với tiền Việt Nam bao gồm:
“1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
4. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.”
Trong trường hợp phát hiện ra các hành vi vi phạm đến việc bảo vệ tiền tệ Việt Nam, sẽ bị xử lý hành chính theo các mức phạt quy định tại Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hành vi vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền dao động từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng kèm theo những hình thức xử phạt bổ sung.
Hành vi sản xuất, mua bán trang phục in ảnh tiền Việt Nam có thể bị xử phạt 50 triệu đồng.
Trường hợp in tiền lên quần áo phục vụ cho mục đích thương mại
Quay trở lại với trường hợp in hẳn ảnh tiền Việt Nam lên quần áo để buôn bán. Tuy phía sản xuất đã “lách” bằng cách không in phần ảnh Bác Hồ mà chỉ in các phần còn lại của tiền Việt Nam trên quần áo, nhưng đây vẫn có thể được xem là hành vi vi phạm với các quy định bảo vệ tiền tệ Việt Nam.
Cụ thể, việc sao chụp tiền Việt Nam mà chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng Nhà nước là hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, việc in ấn hình ảnh tiền tệ Việt Nam lên trang phục, quần áo là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Nghị định 88/2019/NĐ-CP:
“4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.”
Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh trang phục có in ấn hình ảnh của tiền tệ Việt Nam dù chỉ một phần có thể sẽ bị xử phạt đến 50 triệu đồng cùng các hình phạt bổ sung cũng như khắc phục hậu quả khác.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư