Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Cho tôi hỏi các hình thức hoạt động của đại lý thương mại được quy định thế nào? Tôi đang muốn nhận làm đại lý thương mại cho 1 công ty mà vẫn chưa hiểu rõ lắm về vấn đề này mong luật sư tư vấn.
Xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm;
>> Điều kiện, thủ tục công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan như thế nào?
>> Xử lý trong trường hợp người đại diện pháp luật duy nhất xuất cảnh quá 30 ngày
>> Phân biệt nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại
Các hình thức hoạt động của đại lý thương mại.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Đại lý thương mại là gì?
Theo Điều 166 Luật Thương mại 2005 đã quy định về đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Bên cạnh đó, tại Điều 167 Luật Thương mại 2005 có quy định về quan hệ đại lý mua bán hàng hoá phát sinh giữa bên giao đại lý và bên đại lý, bao gồm các bên trong hợp đồng đại lý thương mại:
- Bên giao đại lý được hiểu là thương nhân giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
- Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Nội dung của hoạt động đại lý bao gồm việc giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý giữa bên giao đại lý và bên đại lý và giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ giữa bên đại lý với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý. Quan hệ đại lý thương mại được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng đại lý được giao kết giữa thương nhân giao đại lý và thương nhân làm đại lý. Hợp đồng đại lý phải được giao kết bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Hình thức của hợp đồng đại lý
Theo Điều 168 Luật Thương mại 2005 quy định hợp đồng đại lý phải được thành lập bằng văn bản hoặc bằng các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Ngoài ra, theo khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại 2005 có nêu rõ về các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Các hình thức hoạt động của đại lý thương mại.
Các hình thức hoạt động của đại lý thương mại
Theo Điều 169 Luật Thương mại năm 2005 quy định đại lý thương mại bao gồm các hình thức sau:
Đại lý bao tiêu
Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý. Với hình thức đại lý này, bên giao đại lý ấn định giá giao đại lý, bên đại lý quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, do đó, thù lao mà bên đại lý được hưởng là mức chênh lệch giá giữa giá mua, giá bán thực tế so với giá mua, giá bán do bên giao đại lý quy định.
Đại lý độc quyền
Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một số loại dịch vụ nhất định.
Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý là đối tác trực tiếp của bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận một hình thức đại lý khác như: đại lý hoa hồng, đại lý bảo đảm thanh toán…
Thanh toán trong đại lý
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định.
Thời hạn đại lý của các bên khi kết thúc hợp đồng đại lý
- Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.
- Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.
- Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư