Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Cho tôi hỏi nếu trong trường hợp cha tôi sau này mất mà ông ấy có lập di chúc để lại toàn bộ tài sản gồm động sản và bất động sản cho con riêng hoặc bất kỳ người khác mà không có tôi thì tôi có thể khởi kiện để đòi quyền thừa kế được không? Trong trường hợp nào có di chúc rồi mà vẫn chia tài sản theo pháp luật?
Xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm:
>> Phân chia di sản thừa kế theo di chúc được thực hiện như thế nào?
>> Mẹ lập di chúc có cần xin chữ ký của các người con không?
>> Công chứng văn bản khai nhận di sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Trường hợp nào vẫn chia di sản theo pháp luật dù đã có di chúc?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Trường hợp nào vẫn chia di sản theo pháp luật dù đã có di chúc?
Tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Việc chia thừa kế theo di chúc là chia tài sản thừa kế theo ý chí người để lại di chúc trước khi chết còn phân chia di sản thừa kế theo pháp luật không thực hiện theo ý chí của người để lại di sản. Do đó, nếu trường hợp có di chúc thì di sản được chia theo di chúc, tuy nhiên trong một số trường hợp nêu tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì được chia theo pháp luật, cụ thể:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, chỉ những trường hợp nêu trên, di sản mới được chia theo pháp luật. Còn lại, nếu người để lại di sản có di chúc thì sẽ ưu tiên chia theo di chúc của người đó.
Trường hợp nào vẫn chia di sản theo pháp luật dù đã có di chúc?
Do đó, nếu di chúc ba bạn để lại hợp pháp, người có tên trong di chúc sẽ được hưởng số tài sản được chia. Trường hợp này thì bạn không có quyền thừa kế.
Tuy nhiên, nếu di chúc đó hợp pháp nhưng tại thời điểm phân chia di sản, bạn là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động thì theo quy định tại điều 644 BLDS 2015 thì bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp bạn không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.
Ngoài ra, trường hợp di chúc của cha bạn không hợp pháp, bị tuyên bố vô hiệu thì phần di sản của cha bạn sẽ được chia theo quy định về pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư