Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Cho em hỏi trong trường hợp nào thì người lao động được quyền từ chối không làm việc mà người sử dụng lao động giao? Người lao động có quyền và nghĩa vụ như thế nào khi tham ra ký kết hợp đồng lao động?
Xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm:
>> Hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ cho người lao động nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà
>> Doanh nghiệp có bị xử lý khi nợ lương người lao động quá thời gian luật cho phép hay không?
>> Người lao động nước ngoài có được hưởng trợ cấp thôi việc theo luật hay không?
Các trường hợp người lao động được quyền từ chối không làm việc mà người sử dụng lao động giao.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Các trường hợp người lao động được quyền từ chối không làm việc mà người sử dụng lao động giao
Trong Bộ luật Lao động 2019 đã quy định người lao động được phép từ chối làm việc trong những trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Theo điểm d Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định được từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.
Trường hợp 2: Từ chối làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt là người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ để thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa. Tuy nhiên, nếu công việc này có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động thì người lao động được quyền từ chối làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (Khoản 2 Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).
Trường hợp 3: Tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp người sử dụng lao động chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… mà người lao động không đồng ý.
Lưu ý, trường hợp người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định.
Người lao động được quyền từ chối không làm việc mà người sử dụng lao động giao.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
Người lao động có các quyền
Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; được hưởng mức lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể; được quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
Ngoài ra, được quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không phải là quyền tự do tuyệt đối, vì trong trường họp sử dụng quyền này trái pháp luật thì người lao động vẫn phải chịu trách nhiệm, tức là không được loại trừ trách nhiệm; đình công là một trong những quyền cơ bản của người lao động nhưng không mang tính đơn lẻ của mỗi người lao động mà mang tính tập thể; và còn các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người lao động có các nghĩa vụ
Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể là hai loại thoả thuận quan trọng, quyết định quan hệ lao động của hai bên có mối quan hệ chặt chẽ, khống chế và bổ sung cho nhau, do đó việc thực hiện nghiêm chỉnh những nghĩa vụ đó là điều kiện quan trọng nhất bảo đảm hệ thống quản lý lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và thỏa thuận hợp pháp khác; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động; thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư