Trong những ngày tết, có nhiều nguy cơ cháy nổ do bất cẩn trong việc thắp nhang đèn, đốt hàng mã, đốt pháo trái phép, hoặc do nhà ở hay trụ sở vắng người nên không kịp phát hiện sự cố cháy.
Hiện nay, ở các đô thị lớn có nhiều cao ốc chung cư nên vấn đề phòng cháy và chữa cháy (PCCC) công trình cao tầng càng phải được đặc biệt quan tâm trong dịp tết.
Theo Luật PCCC, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung về PCCC, các công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.
Đối với công trình cao tầng từ 9 tầng trở lên thì phải đáp ứng các điều kiện: Kết cấu xây dựng phải có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của nhà theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC. Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng công cộng tập trung đông người không được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu dễ cháy.
Trường hợp vi phạm quy định về PCCC thì tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý vi phạm hành chính, như bị cảnh cáo hoặc phạt tiền theo Nghị định 167/2013. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hoặc buộc khắc phục hậu quả khác. Ví dụ hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn PCCC đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC, có thể bị phạt tiền 3 – 5 triệu đồng.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn PCCC. Hành vi do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy nổ có thể bị phạt tiền 15 – 25 triệu đồng. Đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy nổ, căn cứ vào mức độ thiệt hại mà mức phạt tiền có thể lên đến 50 triệu đồng. Các mức phạt tiền trên sẽ tăng gấp đôi nếu đối tượng vi phạm là tổ chức.
Đối với những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của một người hoặc nhiều người từ 61% trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 2 – 5 năm, cao nhất là phạt tù 7 – 12 năm, theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự hiện hành. Ngay cả khi không có thiệt hại như trên nhưng xét thấy có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nêu trên nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 – 5 năm. Trường hợp xảy ra cháy nổ gây thiệt hại thì cá nhân, tổ chức gây ra cháy nổ theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bồi thường cho những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/canh-giac-phong-chong-chay-no-ngay-tet-499699.html