Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Tôi cho bạn của tôi vay số tiền là 50 triệu đồng mà chỉ ghi giấy vay tiền bằng tay và không có công chứng tờ giấy vay tiền đó. Luật sư cho tôi hỏi là giấy vay tiền viết tay đó có hợp pháp không? và có cần công chứng không?
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có cần công chứng?
>> Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử theo pháp luật mới 2022
>> Hành vi cho vay nặng lãi bị xử lý như thế nào theo quy định mới năm 2022?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Giấy vay tiền viết tay có cần công chứng không?
Điều kiện để giao dịch vay tiền bằng giấy viết tay có hiệu lực
Vì là một giao dịch dân sự nên giấy vay tiền phải đảm bảo các quy định về giao dịch dân sự có hiệu lực theo khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự 2015:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo các quy định trên, giấy vay tiền viết tay là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy viết tay có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên trong hợp đồng vay tài sản phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản được quy định cụ thể trong mỗi hợp đồng và phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên nhưng phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Giấy vay tiền viết tay có cần công chứng không?
Giấy vay tiền viết tay có cần công chứng không?
Căn cứ pháp lý về hình thức của giao dịch dân sự (bao gồm cả giao dịch cho vay – mượn tiền) được quy định chi tiết và cụ thể tại điều 119 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì giấy vay tiền viết tay được thể hiện bằng văn bản là một giao dịch hợp pháp, và các bạn cũng có thể sử dụng nó như một chứng cứ mượn tiền nếu như có xảy ra tranh chấp, kiện tụng tại Tòa án mà không cần phải công chứng.
Việc vay mượn tiền là một giao dịch dân sự bình thường, hình thức văn bản của hợp đồng vay tài sản không có quy định bắt buộc về việc công chứng, chứng thực. Do vậy giấy vay tiền viết tay không cần phải công chứng hay chứng thực mà vẫn có giá trị pháp lý và được xem như là một chứng cứ mượn tiền hợp pháp. Vì vậy, bạn có quyền lựa chọn việc công chứng hoặc không công chứng hợp đồng vay tài sản.
– Trường hợp các bên lựa chọn công chứng hợp đồng vay tài sản thì tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ là người làm chứng cho hợp đồng vay tài sản, hợp đồng có hiệu lực khi các bên đồng ý các thỏa thuận và tổ chức hành nghề công chứng tiến hành công chứng hợp đồng đó.
– Trường hợp các bên lựa chọn không công chứng hợp đồng vay tài sản, nhưng các bên đạt được thỏa thuận và ký kết vào hợp đồng vay, khi đó hợp đồng vay tài sản có giá trị pháp lý và là hợp đồng hợp pháp.
Mặc dù hợp đồng vay tài sản trong cả 02 trường hợp công chứng hoặc không công chứng đều có giá trị pháp lý tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng có công chứng sẽ giúp cho việc chứng minh khoản vay dễ dàng hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại hơn so với hợp đồng vay không có công chứng.
Những loại giao dịch bắt buộc phải đi công chứng, hoặc chứng thực
Những loại giao dịch bắt buộc phải đi công chứng, hoặc chứng thực bao gồm:
- Hợp đồng mua bán nhà ở; (Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Điều 430 Bộ luật dân sự 2015)
- Hợp đồng tặng cho nhà ở, bất động sản (Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Khoản 1 Điều 459 Bộ luật dân sự 2015)
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013)
- Hợp đồng đổi nhà ở, Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở (Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014)
- Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013)
- Hợp đồng thế chấp nhà ở (Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014)
- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013.)
- Hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở thương mại (Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014)
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013)
- Hợp đồng trao đổi tài sản (Khoản 2 Điều 455 Bộ luật dân sự 2015)
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ (Khoản 4 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015)
- Di chúc miệng (Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015)
- Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài (Khoản 5 Điều 647 Bộ luật dân sự 2015)
- Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013.)
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư