Kịch bản vốn là tiền đề, cơ sở bất kỳ hoạt động giải trí nghệ thuật nào từ phim ảnh, truyện tranh cho đến sự kiện. Vậy, đặt trong bối cảnh việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản sáng tạo trở nên rất quan trọng như hiện nay, khi một người viết ra kịch bản cho một sự kiện nào đó, kịch bản đó có được bảo hộ quyền tác giả hay không? Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết nhằm giải đáp thắc mắc trên.
Kịch bản sự kiện là gì?
Trước hết, ta cần tìm hiểu về khái niệm của kịch bản sự kiện. Theo đó, kịch bản sự kiện thường được hiểu là một bản diễn giải, mô tả chi tiết, sắp xếp các đầu mục công việc và hoạt động diễn biến của sự kiện nhằm hiện thực hóa các công việc đó để tổ chức thành công sự kiện. Việc tạo ra một kịch bản sự kiện đóng vai trò rất quan trọng bởi các nguyên nhân sau đây:
- Thông qua kịch bản sự kiện, những nhân sự tham gia vào sự kiện như MC, người phụ trách âm thanh – ánh sáng, người biểu diễn, người quay phim – chụp ảnh, cũng như người quản lý, điều phối sự kiện,… có thể nắm rõ nhiệm vụ của mình, phối hợp làm việc, thực hiện theo đúng kế hoạch và kiểm soát chương trình được thực hiện chính xác;
- Kịch bản sự kiện cũng giúp nhân sự hiểu hơn về chủ đề, giá trị và mục tiêu của sự kiện nhằm truyền tải tới khách mời tham gia một cách đúng đắn nhất;
- Trong nội dung kịch bản sự kiện còn đưa ra những dự toán, phương án phòng ngừa rủi ro, tối thiểu thiệt hại, định hình trình tự thời gian thực hiện chương trình, tối ưu hóa công sức, tiền bạc và thiết bị trong quá trình diễn ra sự kiện.
Kịch bản sự kiện sẽ bao gồm nhiều loại như: kịch bản chương trình sự kiện tổng quát (đưa ra timeline, nội dung chính, người phụ trách nhằm phục vụ cho quá trình điều phối và kiểm soát); kịch bản MC (lời dẫn MC trong suốt sự kiện); kịch bản âm thanh – ánh sáng (góp phần làm chương trình thêm hấp dẫn).


Bảo hộ bản quyền kịch bản sự kiện như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc,công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Đồng thời, theo điểm a khoản 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan:
1. Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ:
a) Tác phẩm văn học, khoa học và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết bao gồm: Tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn; bút ký, ký sự, tùy bút, hồi ký; thơ, trường ca; kịch bản; công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác;
Như vậy, dựa vào các căn cứ trên, kịch bản sự kiện được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm văn học, khoa học và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết. Theo đó, quyền tác giả đối với kịch bản sự kiện này sẽ được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ).


Theo quy định, người trực tiếp sáng tạo nên kịch bản sự kiện sẽ là tác giả của kịch bản sự kiện này và có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong trường hợp sự kiện do một tổ chức thực hiện và tổ chức này giao nhiệm vụ lập kịch bản cho nhân viên của mình thì tổ chức này là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm và có quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) theo Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo điểm b khoản 2 Điều 27, trừ quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 được bảo hộ vĩnh viễn, thời hạn bảo hộ bản quyền đối với kịch bản sự kiện là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Dịch vụ đăng ký bảo hộ kịch bản sự kiện
Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam tự hào là đơn vị pháp lý đáng tin cậy trong việc cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kịch bản sự kiện.
Với đội ngũ nhân sự và luật sư giàu kinh nghiệm cùng sự hiểu biết sâu rộng về pháp luật sở hữu trí tuệ, chúng tôi cam kết mang đến dịch vụ chuyên nghiệp và hiệu quả nhất nhằm đáp ứng yêu cầu của Khách hàng.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về điều kiện để thành lập doanh nghiệp xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư