Phụ nữ ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội. Họ là lực lượng lao động, đồng thời gánh vác cả vai trò người vợ, người mẹ xây dựng gia đình vững mạnh, xã hội vững chắc. Pháp luật Việt Nam ghi nhận và đề cao trách nhiệm của người phụ nữ trong đời sống hàng ngày, theo đó là những quy định pháp lý được ban hành để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Cùng Phan Law Vietnam điểm qua một số quy định pháp lý nổi bật dành riêng cho phái nữ ngay trong nội dung bài viết dưới đây nhé!
Xem thêm:
>> Hai phụ nữ bị điều tra hành vi tung tin giả về dịch Covid lên mạng xã hội
>> Nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng MTP ở MV Chúng ta của hiện tại
>> Mẹ và người tình bạo hành, xâm hại bé gái 12 tuổi
Một số chế độ ưu tiên cho lao động nữ.
Quy định pháp luật lao động dành cho phụ nữ
Là lực lượng lao động nòng cốt, để đảm bảo sức khỏe, tinh thần của phụ nữ trong quá trình đóng góp xây dựng kinh tế xã hội, pháp luật lao động dành riêng Chương X để hướng dẫn về những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới.
Bảo vệ lao động nữ trong kỳ thai sản
Phụ nữ luôn gắn với nghĩa vụ thiêng liêng đó là làm mẹ. Bộ Luật Lao động 2019 quy định rất chi tiết về vấn đề nghỉ thai sản, bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản cũng như các quyền lợi khác liên quan:
- Người sử dụng lao động không được phép sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi( trừ trường hợp được người lao động đồng ý) làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa
- Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
- Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian thai sản theo quy định mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bảo vệ sức khỏe của lao động nữ
Điều 80 Bộ Luật Lao động 2019 cũng liệt kê hướng dẫn về việc bảo vệ sức khỏe của lao động nữ trong quá trình lao động. Theo đó:
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động, tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng
- Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ đang mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn.
Người phụ nữ trong hôn nhân được pháp luật ưu tiên.
Quy định pháp luật bảo vệ phụ nữ trong hôn nhân
Trong đời sống hôn nhân, khi xảy ra mâu thuẫn mỗi bên vợ chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người phụ nữ khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về hạn chế quyền ly hôn của người chồng như sau:
“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Ngoài ra, người phụ nữ được ưu tiên trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng sau ly hôn. Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Ngoài những quy định pháp lý trên, người phụ nữ còn được hưởng rất nhiều quyền lợi khác như về chế độ bảo hiểm thai sản. Thông qua đó, pháp luật thể hiện tính nhân văn, công bằng và thúc đẩy, khẳng định hơn nữa vai trò của phụ nữ trong tiến trình phát triển ở hiện tại cũng như trong tương lai.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư