Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Cho tôi hỏi nếu không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không? nơi công chứng di chúc thực hiện ở đâu?
Xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm:
>> Hiệu lực pháp luật của bản di chúc sau cùng
>> Di sản không trong di chúc thì được phân chia như thế nào?
>> Thủ tục chứng thực di chúc theo luật
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 đã giải thích rõ: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận cho các hợp đồng, giao dịch dân sự. Đảm bảo tính chính xác; hợp pháp; không trái với đạo đức xã hội của các bên tham gia giao dịch; nội dung giao dịch và giao dịch. Hiện chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng; bao quát về khái niệm chứng thực; mà chỉ có khái niệm chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, chứng thực bản sao từ bản chính.
Về mặt pháp lý, chứng thực là việc của cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính chính xác; hợp pháp của các giấy tờ, chữ ký, văn bản của các nhân, thông tin cá nhân để bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân và tổ chức có liên quan trong quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế. Tức là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi căn cứ vào bản chính; để chứng thực bản sao đúng với bản chính trong lúc đối chiếu.
Di chúc theo quy định pháp luật
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Vậy, di chúc là sự thể hiện ý chí của một cá nhân nhằm làm phát sinh hậu quả pháp lý; người thừa kế chỉ có thể thể hiện ý chí của mình sau khi người lập di chúc chết; cá nhân lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc bất cứ khi nào.
Không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không?
Theo Điều 628 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc bằng văn bản bao gồm:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có công chứng.
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Điều 635 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.
Khoản 2 điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền; trách nhiệm chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Theo quy định này thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có thẩm quyền chứng thực di chúc và việc chứng thực sẽ không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực, vậy người yêu cầu chứng thực có thể nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc tại bất kỳ Ủy ban nhân dân xã nào trên địa bàn cả nước.
Theo quy định trên, việc công chứng di chúc là không bắt buộc trong mọi trường hợp. Khi di chúc đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 630 BLDS 2015; thì di chúc được coi là hợp pháp. Dù không công chứng thì vẫn có thể thực hiện chứng thực di chúc. Người lập di chúc hoàn toàn có quyền lựa chọn việc công chứng hay chứng thực di chúc.
Công chứng di chúc thực hiện ở đâu?
Tại Điều 56 Luật công chứng năm 2014, có quy định về công chứng di chúc. Theo đó người yêu cầu công chứng di chúc phải là người lập di chúc; người lập di chúc này không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc mà mình lập ra. Yêu cầu này đặt ra nhằm đảm bảo di chúc được lập ra theo đúng ý chí tự nguyện của người lập di chúc. Như vậy, người lập di chúc nếu lập trên cơ sở tự nguyện; theo đúng ý chí của mình; thì cũng đã đảm bảo tính hợp pháp cho các tài sản đề cập trong di chúc. Nhưng quy định này chỉ đặt ra yêu cầu về người yêu cầu công chứng di chúc; mà không đặt ra yêu cầu về tổ chức hành nghề công chứng nào được công chứng di chúc.
Theo Điều 639 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở:
- Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc
- Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 636 của Bộ luật này.
Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng. Từ các căn cứ trên có thể thấy, Người lập di chúc có quyền yêu cầu công chứng di chúc tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào có thẩm quyền; thậm chí có thể yêu cầu công chứng tại chỗ ở nếu có lý do chính đáng.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư