Khi tiến hành đăng ký kinh doanh, thành lập công ty tại Sở kế hoạch và đầu tư, có lẽ phần khó nhất trong một bộ hồ sơ là phần tra cứu mã ngành. Làm sao để tra cứu mã ngành nghề kinh doanh, cách ghi ra sao,… Bài viết này sẽ tư vấn cho Quý vị về những vấn đề này. Mời các bạn theo dõi bài viết.
Xem thêm:
>> Thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên theo quy định năm 2022
>> Thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
>> Tìm hiểu các vấn đề xoay quanh việc sáp nhập doanh nghiệp
Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh.
Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh ra sao?
Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam gồm:
- Danh mục ngành nghề kinh doanh được ban hành kèm theo Phụ lục I Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
- Nội dung chi tiết về nội dung hoạt động của từng ngành nghề trong mã ngành được hướng dẫn chi tiết tại phụ lục II Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
Khi nào bắt buộc phải ghi thêm mã ngành cấp 5, diễn giải chi tiết?
Trong một số trường hợp, việc chỉ ghi nhận mã ngành cấp 4 là chưa đủ, mà người ghi phải bổ sung thêm diễn giải chi tiết của ngành nghề đó hoặc mã ngành cấp 5 phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình.
Các trường hợp bổ sung diễn giải chi tiết hoặc mã ngành cấp 5
Trường hợp 1: Đối với ngành nghề kinh doanh thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (về vốn pháp định, chứng chỉ,…), danh mục ngành nghề kinh doanh cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh, ngoài mã ngành cấp 4 thì phải ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất con dấu phải đăng ký mã ngành 8299 – “Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu”, diễn giải chi tiết: “Sản xuất con dấu”
Cách để tra cứu mã ngành nghề kinh doanh.
Trường hợp 2: Đối với các ngành nghề không được ghi nhận thành một ngành nghề cụ thể trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (không có mã ngành riêng) nhưng được quy định trong các văn bản pháp luật khác thì ghi nhận thêm theo quy định tại các văn bản đó.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể chọn mã ngành cấp 4 có liên quan đến ngành nghề mình kinh doanh và thường có các dạng cấu trúc sau: “Hoạt động …khác”, “Hoạt động có liên quan đến … khác”, “Hoạt động … chưa được phân vào đâu”, “… khác”, “… chưa được phân vào đâu”. Đồng thời, sau đó có thể ghi thêm mã ngành cấp 5 phù hợp rồi bổ sung thêm diễn giải chi tiết bên dưới hoặc ghi trực tiếp chi tiết sau mã ngành cấp 4.
Ví dụ: Doanh nghiệp bán mỹ phẩm đăng ký mã ngành như sau:
- 4649 – Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình
- 46493 – Bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh
Diễn giải chi tiết: Bán nước hoa, mỹ phẩm nhập khẩu
Trường hợp 3: Đối với các ngành nghề không thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được ghi nhận trong một văn bản pháp luật nào khác nhưng không thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia, thông báo cho Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Làm sao để biết doanh nghiệp kinh doanh gì?
Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp không còn hiển thị trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như trước ngày 01/07/2015 (thời điểm Luật doanh nghiệp 2014 được áp dụng), mà chỉ được ghi nhận trong giấy xác nhận thông tin doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp. Do đó khi:
- Công ty mới thành lập không có tài liệu nào ghi nhận ngành nghề kinh doanh đã đăng ký. Toàn bộ thông tin ngành nghề được công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia và chỉ tra cứu được khi nhập mã số doanh nghiệp vào hệ thống.
- Đối với công ty thực hiện thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy xác nhận thông tin doanh nghiệp, trong đó ghi nhận lại danh sách ngành nghề kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp.
Bạn vẫn có thể tra cứu ngành nghề của bất cứ công ty nào khi có thông tin tại địa chỉ http://dangkykinhdoanh.gov.vn
Trên đây là các nội dung tư vấn về tra cứu mã ngành nghề kinh doanh theo quy định mới nhất hiện nay. Trường hợp quý khách có thắc mắc hoặc cần tư vấn cụ thể, hãy liên hệ Phan Law VietNam theo thông tin sau đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư