Sự hội nhập quốc tế vốn đã rất phát triển khi các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập trực tiếp vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó thì việc nhượng quyền thương mại cũng được xem là một trong những hình thức hỗ trợ đắc lực cho sự hội nhập cũng như phát triển trong nước. Tuy nhiên để có thể áp dụng phương thức này thì các thương nhân cần bảo đảm được các điều kiện nhượng quyền thương mại trước khi bắt tay vào thực hiện.
Nhượng quyền thương mại là gì?
Quyền thương mại ở đây được hiểu theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP) bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây:
– Quyền được Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền;
– Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung;
– Quyền được Bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho Bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;
– Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.
Theo quy định tại Điều 284 Luật thương mại 2005 thì nhượng quyền thương mại được hiểu là hoạt động thương mại đặc trưng. Trong đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ khi đáp ứng được các điều kiện nhất định. Thông thường việc nhượng quyền thương hiệu sẽ được áp dụng đối với các đối tượng phổ biến như: công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác,….
Điều kiện nhượng quyền thương mại
Để có thể vận dụng cách thức nhượng quyền thương mại trong các hoạt động kinh doanh thì thương nhân cần phải đáp ứng được các tiêu chí nhất định. Trước đây, pháp luật quy định khá khắt khe về điều kiện để thực hiện nhượng quyền. Bởi lẽ điều kiện không chỉ đối với bên nhượng quyền, bên nhận quyền mà còn đối với cả những hàng hoá, dịch vụ được phép trở thành đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 08/2018/NĐ-CP có hiệu lực thì có thể nói các khó khăn trước đó đã được giảm bớt. Nguyên nhân là những điều kiện đã được lược bớt đi một cách khá nhiều và hầu hết những chủ thể có nhu cầu đều có thể đáp ứng được.
Hiện nay, điều kiện nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 284 Luật thương mại 2005 và Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP). Những điều kiện đó bao gồm:
– Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
– Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
– Bên nhượng quyền phải là thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
Việc nhượng quyền thương mại khi thực hiện phải được lập thành hợp đồng theo quy định tại Điều 285 Luật thương mại 2005. Theo đó hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Nhìn chung vấn đề nhượng quyền thương mại gần như khá phức tạp nên người thực hiện cần phải có được những hiểu biết nhất định. Vì vậy để hiểu hơn về các điều kiện nhượng quyền thương mại, bạn có thể liên hệ Phan Law Vietnam để được tư vấn chi tiết.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn