Sản phẩm gây ngộ độc thực phẩm, cơ sở sản xuất có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.
Xem thêm:
Rủi ro pháp lý liên quan đến chuyển nhượng nhãn hiệu
Không cứu người gặp nạn còn livestream câu view có thể nhận mấy năm tù
Chế tài hành vi mua bán thông tin cá nhân
Việc ăn chay không chỉ là lựa chọn của những người theo đạo, không ít người vì muốn tốt cho sức khỏe mà ăn chay. Đặc biệt là trong thời gian tháng 7 âm lịch (tháng Vu Lan) số lượng người ăn chay càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, gần đây việc ngộ độc Pate Minh Chay đang khiến những người ăn chay cảm thấy lo lắng. Dưới góc nhìn pháp luật, vụ việc này sẽ được xử lý như thế nào? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Phan Vũ Tuấn đến từ Văn phòng Luật Phan Law Vietnam để nghe giải đáp.
Thưa luật sư, đối với số lượng pate đã được bán ra thị trường cơ quan chức năng sẽ phải xử lý như thế nào?
L.s Phan Vũ Tuấn: Trong trường hợp này, đối với sản phẩm Pate chay Minh Chay đã được bán ra thị trường, cơ quan chức năng cần áp dụng những biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010 sửa đổi bổ sung 2018 như sau:
– Phải đình chỉ sản xuất, kinh doanh; thu hồi và xử lý thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh đang lưu thông trên thị trường theo điểm c khoản 2 Điều 53. Trong trường hợp này, vì sản phẩm đã bị nhiễm khuẩn chứa độc tố nên cách duy nhất là tiêu hủy theo điểm d Khoản 2 Điều 55.
– Đồng thời phải thông báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo điểm d khoản 2 Điều 53.
Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng hiện nay đã và đang thực hiện các biện pháp trên rất kịp thời nhưng việc chưa thể thu hồi được toàn bộ số sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường là một vấn đề rất đáng lo ngại cho người tiêu dùng. Do đó, ngoài việc xử lý của các cơ quan chức năng thì người dân cũng cần cập nhật, theo dõi tin tức để bảo vệ sức khỏe cho mình.
Liệu công ty sản xuất sản phẩm “Pate Minh Chay”, có phải chịu trách nhiệm gì về mặt pháp lý không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Hiện nay, các cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra, xác minh nguyên nhân gây ra chất độc chứa trong Pate Minh Chay. Vì vậy, tôi chưa thể khẳng định chính xác trách nhiệm pháp lý mà công ty sản xuất phải chịu đối với vụ ngộ độc do ăn Pate Minh Chay. Nhưng cá nhân tôi có nhận định ban đầu sau:
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định được nguyên nhân gây ra ngộ độc là trong quá trình sản xuất thì căn cứ vào Khoản 1, Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 sửa đổi bổ sung 2018 quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.
Về trách nhiệm hành chính, đối với hành vi sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 8, Điều 22 Nghị định 115/2018.
Về trách nhiệm hình sự, căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra, những cá nhân nào có trách nhiệm trong vụ việc gây ngộ độc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả gây ra (ví dụ như làm chết nhiều người) thì mức xử phạt có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Về trách nhiệm dân sự, căn cứ vào Khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.
Do đó, trong trường hợp này, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (Công ty sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu “Pate Minh Chay”) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân bị ngộ độc do ăn Pate mang nhãn hiệu “Pate Minh Chay”, cho dù họ có lỗi hay không có lỗi trong việc phát hiện độc tố có trong Pate Minh Chay.
Căn cứ vào Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo đó, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới phải tiến hành bồi thường toàn bộ và kịp thời những thiệt hại cho những nạn nhân bị ngộ độc do ăn Pate của Công ty này.
Các thiệt hại có thể được bồi thường bao gồm: thiệt hại vật chất như các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (chi phí chữa bệnh, hồi phục sức khỏe, thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại và người chăm sóc họ) và thiệt hại về tinh thần (không quá 50 lần mức lương cơ sở) theo Điều 590 BLDS 2015. Ngoài ra, 2 bên có thể tự thỏa thuận mức thiệt hại với nhau.
Có lỗ hổng nào trong quy trình quản lý của cơ quan chức năng khi để xảy ra vụ việc này hay không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm năm 2010.
Trong quá trình cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hoạt động, còn có thể bị kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ kết hợp giữa Uỷ ban nhân dân và Cục An toàn thực phẩm kiểm tra định kỳ 06 tháng 01 lần. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất này. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng có thể lấy mẫu để kiểm tra và phân tích. Đối với các lỗi phát sinh trong khâu sản xuất, chế biến thì cơ sở sản xuất và các cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ các cơ quan báo chí, được biết cơ sở sản xuất Pate Minh Chay đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuy nhiên, khi xảy ra vụ việc thì lại phát hiện các nguyên liệu để sản xuất chưa rõ nguồn gốc.
Tác giả: Thư Quỳnh – Nguyễn Quang
Theo báo Dân Trí
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-ngo-doc-pate-minh-chay-hinh-phat-nang-nhat-duoc-ap-dung-khi-nao-20200908095652434.htm