Áo dài tết truyền thống trong tâm thức người Việt
Vào những ngày tết, đa phần người Việt chọn Áo dài làm trang phục du xuân, lễ chùa, đi nhờ thờ hay đi mừng tuổi nhau. Những năm gần đây, các bạn trẻ thường diện Áo dài để chụp ảnh tại những địa điểm văn hóa, góp phần lan tỏa hình ảnh nét đẹp Việt vào những ngày tết cổ truyền.
Áo dài đại diện cho cốt cách người Việt, nghiêm cẩn, ý nhị, duyên dáng nhưng không kém phần kiêu hãnh. Trong bầu không khí hướng về ông bà, tổ tiên vào dịp Tết cổ truyền, mặc Áo dài là một sự gợi nhắc giữ gìn truyền thống và cốt cách dân tộc, mang đến cảm thức trang nghiêm, kính cẩn.
Đồng thời, nhờ giá trị của Áo dài là luôn luôn đi cùng được với những cách tân, biến đổi của thời đại, nên Áo dài luôn giữ được tính thời trang và chưa bao giờ lỗi thời. Do đó, mỗi năm, người Việt chọn Áo dài mặc tết như một thói quen, một nếp sống hiện tiền, mà không phải đắn đo, cân nhắc xem có phù hợp hay không. Không thể phủ nhận, Áo dài có thể xuất hiện ở mọi không gian, bối cảnh với sự xinh đẹp và duyên dáng rất riêng.
Chưa có cơ sở pháp lý cụ thể cho Áo dài Việt Nam
Chúng ta vẫn đặt câu hỏi liệu Áo dài có phải là quốc phục hay không do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý. Tại Điều 2, Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16.1.2023 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, giao Bộ “Thực hiện quản lý nhà nước về biểu tượng văn hóa quốc gia theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ việc quản lý biểu tượng văn hóa, như: quy định tiêu chí lựa chọn, cơ quan có thẩm quyền đề xuất và công nhận, quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa.
Do đó, Áo dài, được xem như một biểu tượng văn hóa lâu đời của Việt Nam, cũng vướng phải những vấn đề về pháp lý cho công tác quản lý.
Điển hình, những khi gặp vấn đề sử dụng không đúng, may mặc sai hoặc bị nước ngoài nhận là sản phẩm của họ, chúng ta bị lúng túng trong việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, cơ sở pháp lý để áp dụng chế tài.
Công nhận Áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể
Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới việc đưa Áo dài trở thành một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì vẫn còn nhiều việc cần làm. Chúng ta phải có một bộ hồ sơ đầy đủ, toàn diện cho Áo dài về mặt kỹ thuật, mỹ thuật đến nguồn gốc lịch sử, để ghi danh quốc gia và quốc tế.
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Điều 4 Luật di sản văn hóa 2002, sửa đổi, bổ sung 2009.
Theo PGS.TS Phạm Văn Dương, có một điều mà các nhà khoa học chưa thống nhất được chính là hình thái của chiếc Áo dài, chọn ra đâu là hình thái chuẩn mực, bởi khi khi chúng ta đăng ký Áo dài như một bản quyền thì chúng ta phải xác lập cả về mặt kỹ thuật (cấu trúc áo như thế nào), phải chứng minh điều này là xuất phát từ truyền thống, mang màu sắc của chiếc áo tứ thân hay giao lãnh.
TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Áo dài Việt Nam có một lịch sử lâu đời là vô cùng quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện thời, áo dài có tác động, đóng góp như thế nào đối với văn hóa, xã hội và con người Việt đương đại là điều mà UNESCO quan tâm.
Theo đó, câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM đã được thành lập ngày 27-6-2023 trực thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Trước đó, ngày 28-12-2022, câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam được ra mắt tại Hà Nội. Hiện nay cả nước có nhiều câu lạc bộ Di sản áo dài ở các tỉnh, thành đã hoặc chuẩn bị thành lập, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Áo dài là di sản văn hóa.
Để được tư vấn, hỗ trợ cập nhật chính sách, quy định pháp luật mới nhất, Quý Khách hàng hãy liên hệ Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam. Chúng tôi đảm bảo Quý Khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tư vấn pháp lý chất lượng, hiệu quả.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư