Bản quyền và sở hữu trí tuệ đều là những thuật ngữ về loại tài sản vô hình nhưng mang lại rất nhiều giá trị – tài sản sở hữu trí tuệ. Việc xác lập, bảo hộ và khai thác tài sản sở hữu trí tuệ đã và đang là vấn đề nhức nhối, ngày càng được nhiều chủ thể đặc biệt quan tâm. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu một số nội dung pháp lý liên quan ngay trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> Hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ và các biện pháp xử lý
>> Quy định về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
>> Sở hữu trí tuệ là gì? Đối tượng nào được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Cục Bản quyền chịu trách nhiệm về bảo hộ bản quyền tác giả
Bản quyền là gì?
Bản quyền hay chính xác nhất là quyền tác giả. Đây là một trong những quyền quan trọng của sở hữu trí tuệ. Bản quyền bảo vệ tính nguyên gốc đối với hình thức thể hiện của một tác phẩm bất kỳ, được tạo nên từ sự sáng tạo của tác giả. Bản quyền sẽ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Với những quy định chi tiết, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) quy định và hướng dẫn cặn kẽ về từng loại quyền, cách sử dụng và biện pháp bảo vệ.
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền như thế nào?
Bản quyền và sở hữu trí tuệ thường bị nhầm lẫn là giống nhau. Tuy nhiên, quyền sở hữu trí tuệ được định nghĩa cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là: “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”
Như vậy, có thể thấy quyền sở hữu trí tuệ bao quát toàn bộ các loại hình sáng tạo, ứng dụng, tập trung công nhận và bảo vệ những tài sản vô hình phát sinh từ trí tưởng tượng của con người; từ đó hiện thực hóa loại tài sản vô hình này trở nên hữu hình và mang lại giá trị thiết thực cho chủ sở hữu quyền.
Quyền sở hữu công nghiệp xác lập như thế nào?
Quyền sở hữu công nghiệp
“Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh” – khoản 4 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019).
Với quá trình phát triển hiện tại, khoa học, công nghệ, kỹ thuật luôn là những yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế để có thể bảo vệ tài sản khoa học, công nghệ, kỹ thuật này thực sự rất khó khăn vì tính chất vô hình của tài sản. Thông qua các quy định pháp lý, bạn có thể an tâm hơn trong việc sáng tạo, kiểm soát, sử dụng và bảo vệ tối ưu quyền sở hữu công nghiệp của mình.
Căn cứ xác lập bản quyền và sở hữu trí tuệ
Để pháp luật công nhận và áp dụng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu, tác giả cần thực hiện các thủ tục pháp lý phù hợp đối với từng đối tượng cụ thể của mình.
Quyền tác giả
Quyền tác giả được xác lập trên cơ chế tự động. Cụ thể, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ có nêu rõ:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Quyền sở hữu công nghiệp
Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp khá đa dạng, với mỗi đối tượng chính, pháp luật quy định về căn cứ phát sinh quyền khác nhau. Cụ thể bao gồm:
- Đối với các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu: quyền sẽ được phát sinh dựa trên cơ sở có quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đôi với nhãn hiệu nổi tiếng, căn cứ phát sinh quyền là dựa trên thực tế sử dụng;
- Đối với tên thương mại, quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp, công khai, liên tục tên thương mại đó;
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh;
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để có thể tìm hiểu thêm về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, bạn có thể tham khảo các bài viết phân tích, hướng dẫn trên trang https://phan.vn hoặc trực tiếp trao đổi cùng các luật sư, chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp của Phan Law Vietnam thông qua các phương thức liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư