Khi thành lập hộ kinh doanh, việc đăng ký mã số thuế là thủ tục bắt buộc nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh hợp pháp và minh bạch với cơ quan thuế. Tuy nhiên, không ít cá nhân vì thiếu hiểu biết hoặc chậm trễ trong quá trình thực hiện thủ tục đã để việc đăng ký mã số thuế bị trễ hạn. Vậy trong trường hợp này, hộ kinh doanh có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Và nếu có thì mức phạt là bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Xem thêm: Hồ sơ đăng ký mã số thuế doanh nghiệp gồm những gì?
Mã số thuế hộ kinh doanh là gì và tại sao phải đăng ký?
Mã số thuế là một dãy số được cơ quan thuế cấp cho hộ kinh doanh cá thể để phục vụ công tác quản lý thuế. Thông qua mã số thuế, cơ quan thuế có thể theo dõi, kiểm soát nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh một cách chính xác và minh bạch. Hộ kinh doanh phải sử dụng mã số thuế này khi kê khai, nộp thuế, mua hóa đơn và thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài chính và pháp lý.


Việc đăng ký mã số thuế thường được thực hiện đồng thời khi hộ kinh doanh nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó việc đăng ký mã số thuế không được thực hiện kịp thời, chủ hộ cần nắm rõ quy định xử phạt để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc.
1. Mã số hộ kinh doanh là dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh để cấp cho hộ kinh doanh khi đăng ký hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Mã số này đồng thời là mã số thuế của hộ kinh doanh.
Theo khoản 1 Điều 5b Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT được bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT.
Thời hạn đăng ký mã số thuế đối với hộ kinh doanh
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019 về thời hạn đăng ký thuế lần đầu, hộ kinh doanh có nghĩa vụ đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy tờ tương đương. Việc đăng ký này thường được thực hiện thông qua cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc trực tiếp tại chi cục thuế nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Trong một số trường hợp, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ chuyển thông tin sang cơ quan thuế để thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, nếu vì bất kỳ lý do gì mà hộ kinh doanh chưa được cấp mã số thuế trong thời hạn quy định, chủ hộ cần chủ động liên hệ và hoàn thiện thủ tục để tránh bị xử phạt.
2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:
a) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập;


Chậm đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh có bị phạt hay không?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn), hành vi nộp hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 1 ngày trở lên sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt được áp dụng tùy thuộc vào số ngày chậm nộp như sau:
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng ký thuế; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá thời hạn quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Không thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thuế; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng ký thuế; thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên;
b) Không thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
Tuy nhiên theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì đây là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Còn đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân. Do đó, mức phạt khi chậm đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh là:
– Chậm đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày và có tình tiết giảm nhẹ: Phạt cảnh cáo.
– Chậm đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày và không có tình tiết giảm nhẹ: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Chậm đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày: Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Chậm đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình xử lý, cơ quan thuế phát hiện hộ kinh doanh đã hoạt động kinh doanh thực tế nhưng vẫn chưa đăng ký thuế, chưa kê khai hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, thì ngoài việc xử phạt hành vi chậm đăng ký mã số thuế, còn có thể bị truy thu thuế, tiền chậm nộp và xử lý bổ sung.
Nên làm gì nếu chậm đăng ký mã số thuế?
Nếu hộ kinh doanh của bạn đã chậm đăng ký mã số thuế so với thời hạn quy định, hãy chủ động nộp hồ sơ đăng ký ngay lập tức. Đồng thời, nên chuẩn bị văn bản giải trình lý do chậm trễ, cung cấp bằng chứng giảm nhẹ (nếu có) và hợp tác đầy đủ với cơ quan thuế trong quá trình xử lý.
Trong một số trường hợp, nếu chậm không quá lâu và có lý do hợp lý (ví dụ: thiên tai, dịch bệnh, trục trặc kỹ thuật từ phía cơ quan nhà nước) thì có thể được xem xét miễn hoặc giảm mức xử phạt.
Ngoài ra, bạn cũng nên liên hệ với luật sư hoặc đơn vị hỗ trợ pháp lý uy tín để được tư vấn và hỗ trợ soạn hồ sơ đăng ký thuế đúng quy định, tránh các lỗi nhỏ có thể gây ra phức tạp không cần thiết.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư